Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

NTV 10 - Tâm sự cùng bạn

Một Ngày như Mọi Ngày

Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng

Tâm sự cùng bạn
LH thân,
         Hàng ngày cứ đọc những tin bất an trong trạng thái lực bất tòng tâm sao thấy thương dân VN ở xứ VN, bị khinh bỉ, ghẻ lạnh, không hề có sự thương cảm hay cảm thông từ mọi phía : đảng, chính quyền và ngay cả những người VN hải ngoại....! Dân VN ở dây cũng muốn "Độc lập tự do hạnh phúc" thật sự như nghĩa của nó chứ khg như nghĩa của Bác và Đảng, rất muốn và rất muốn !! Nhưng chỉ chính người Việt mình làm suy yếu người Việt mình thôi, không có vấn đề chị ngã em nâng !!
        Thú thật sống ở đây nhìn những hoàn cảnh thực tế của người dân nghèo trong đó có mình thì cái chuyện "không đứng lên hay ngồi xuống" gì đó mà tha nhân hải ngoại yêu nước bằng mồm hay hỏi, xin có can đảm về đây cùng đứng lên hay chỉ xúi đừng viện trợ cho chết....thân nhân mình, những người thân sinh ra cực khổ nuôi mình rồi bây giờ lo lắng đủ điều cho cuộc sống trong lúc ai kia ngày xưa yêu nước giúp CS, hồi xưa hăng bây giờ càng hăng hơn, bầu chẳng bao giờ thương bí, đứng ở bên kia vùng tự do đầy đủ vật chất cho nên sợ quá, riêng mình "Cùi không còn sợ lỡ" nữa, có chết cùng chết....dầu gì cũng là quê hương mình, chùm khế cũng có "trái ngọt trái xanh" phải không LH, cái bây giờ dân VN cần nhất theo mình nghĩ là sự nâng đỡ tinh thần !
            LH cũng hiểu Phật pháp mà gieo nhân gì thì gặt quả đó ngày xưa vua quan mình Nam tiến thì bây giờ phải cùng nhau tích đức thôi, tích nhân lành và cầu nguyện !!
         Năm nay mình đi lễ Phật Đản như thông lệ nhưng có điều ngạc nhiên nhất là các chùa ở xa vắng tanh Phật tử, giống như chùa bà đanh !! Quả là đây, ai đã tiếp tay cho chế độ CS chiến thắng ? Giờ phải gánh sự ghẻ lạnh của dân chúng thôi
           Lễ 21/5 nhằm ngày thứ bảy nhưng 23/5 TT Obama mới đến, thường những ngày nầy người ta hợp đồng xe đi thập tự dữ lắm nhưng năm nay tuyệt nhiên khg, những chùa miệt Thủ Đức, trong chùa toàn người bán vé số, họ ngơ ngác ....có người hỏi mình tại sao vậy cô đây là rằm lớn mà ?! Dĩ nhiên khg phải vì TT Mỹ nhưng có lẻ vì dân mất niềm tin !
             Khg ai nhận ra lý do TT Obama khg đi viếng chùa Phật họ trách đi viếng chùa ...Tàu ! Đó cũng là sự kỳ thị khg tốt, trái lại mình hiểu và thích vì mình cũng hay đi chùa đó, ngoài cái tên ý nghĩa là "Phước Hải" ra ( bây giờ dân mình đang mong mõi cầu phước ngoài biển Đông) chùa còn có tên  "Ngọc Hoàng" !! Người ta cầu tự, cầu phước, cầu....lung tung ở đó với ....Trời. Đó mới chính là thiết thực và là ước mơ hiện giờ của nhân dân VN. Chùa còn giữ nguyên hiện trạng cổ xưa, không lộng lẩy như cung điện giống các chùa bây giờ, đã to lớn rồi mà lúc nào đi đến đâu cũng thấy tủ phước điền ! Còn nguồn gốc khg thể nào kỳ thị . Dân VN cũng là 1 nhánh của dân Việt bên TQ vì vậy họ mới chơi trò "tổ sư" với mình, khg ai nhận ra vấn đề nầy ?!!Bây giờ chùa đã trăm năm hơn, lại dưới sự quản lý của Phật giáo Việt cho nên có gì sai trái đâu ? Chả lẻ Ông Obama viếng chùa mà không viếng nhà thờ ? Có ai tuyên bố đạo Phật là quốc giáo của Việt Nam ? Đạo Phật chỉ có ơn với với Đảng và nhà nước vì đã tiếp tay cho CS thắng miền Nam thôi !!
            Và nếu viếng đủ thì liệu cuộc viếng thăm của TT Mỹ có suôn sẻ thành công hay náo loạn cả lên vì tù nhân lương tâm, thế thì ta cầu Trời vậy ! tất cả ai ai cũng có một bầu Trời chung Đông Tây không khác gì nhau
          Duy nhất chiều đó lần đầu tiên mình rủ Ti đến viếng tháp của Thượng toạ Thích Quảng Đức, ngày xưa nhà mình ở rất gần, chứng kiến bao nhiêu cuộc biểu tình và nói thật....rất ghét vì nhìn thấy tận mắt họ xách động dân lao động buôn bán bạo động làm đủ thứ....!! Cho nên khi ông tự thiêu mình khg xúc động mấy và xem ....Một ngày như mọi ngày !!
       Bây giờ thì qua internet, qua sự tiếp cận với chùa chiền ngày nay, sau khi biết lý do ông tự thiêu thì mình thương cảm hơn! Ông tự thiêu vì bắt thăm trúng tên ông chứ ông khg "tự" chọn !! Bây giờ trong cái ban tranh đấu ngày xưa còn tồn tại, mấy thầy ai cũng làm "lớn" chùa thì như cung điện, ai vô cũng phải bỏ dép từ ngoài sân cỏ, rõ ràng tu lên làm vua, trong khi Đức Phật bỏ ngai vua cung điện đi hoằng pháp !! Mình không phục và chạnh lòng thương người đã hi sinh giữa lúc tuổi còn trẻ mà khg phải do tâm mình muốn, chỉ mong được phục vụ cho dân cho chính nghĩa... 
          LH nhớ ngày xưa thầy Diêu nói gì khg "Các anh chị chỉ là con tốt thôi, ngày vinh quang người ta hưởng còn các anh chị chết trước khi thấy vinh quang ...! Lo mà học đi lơ mơ tui đánh rớt "
         Mình nhớ hoài hình ảnh anh Lê Ngọc Thanh ngồi một mình tuyệt thực giữa sân trường !! Và anh được gì nếu còn sống tới ngày hôm nay ? Những người cùng thế hệ anh như Ngô Phàn, Huỳnh Tấn Mẫm.....được gì và có sữa sai được cái lỗi của mình khg ? Hay là người xin ra đảng, người tìm an bình nơi cửa Phật ?!
           Theo mình những người tiếp tay ngày xưa phải trả cái họ đã vay với dân tộc VN nầy....
           Xin lỗi các bạn và LH, anh LNT KC có quen và khá thân vì hồi đó KC học hai bên VK và SP, anh Thanh hay giúp KC lấy cours tủ hay đề tủ, đôi khi cũng trật lất nhưng KC vẫn quý anh qua bên SP thì anh em gặp nhau chỉ ...cười cười vì KC biết anh có...bồ ở đây sợ hiểu lầm, nhưng cái điều quan trọng nhất là anh có liên hệ với nhóm "Bộ ba chân vạc" của KC là A.M, KC và NĐ, vì lớp mình có 35 "em" nhưng những "em nữ SV" thường hay "tẩy chay" nhóm KC, cho nên khi thầy Mục cho thuyết trình về Ngô Tất Tố, ai cũng giành tác phẩm hay và dễ, chừa lại "Giông Tố" của Vũ Trọng Phng cho nhóm KC, lúc đó anh Thanh khg hiểu sao "bơ vơ" thế là anh trưởng lớp cho biết, anh gá tên thành 1 nhóm, nhưng bài làm do ba đứa, còn anh ký tên, góp mặt khi thuyết trình và lo.....biểu tình !! (Không biết Ánh Minh và Ngọc Đoàn còn nhớ hay quên rồi, ngay cả lúc đi học bộ ba mình đã gặp giông tố rồi !!)
           Sau đó thì các bạn biết kết cục của nhóm "Giông tố": anh Thanh mất, AM, KC, NĐ 3 đứa 3 nơi, may mà được gặp lại nhau, vui buồn có thể tâm sự, vui vô cùng và an ủi vô cùng !!
           Thú thật mấy lúc sau nầy mình như bị stress dị ứng lắm và có lẻ trở thành thành phần thứ ba nghĩa là đứng ngoài cơn lốc xoáy của thời cuộc muốn "Tam Không". Tam Không của mình là : Không giận, không oán, không thù, chấp nhận cái "Vô Thường" của mọi việc, và đón nhận cái quả do mình gieo (nếu có từ kiếp trước). LH biết khg gia đình mình mất rất nhiều rồi từ có thành không ! và chỉ mong thản nhiên được trước mọi việc sẽ đến và sắp đến !! Không oán hờn than trách...
       TT Obama qua mình không buồn không vui, không hy vọng cũng không mong chờ, cái ngó lơ của người bạn Đồng Minh xưa không khác gì Mặt Trận GP Miền Nam đưa dân miền Nam tới bước đường cùng !! Những ai bên đó có đôi khi cám ơn đất nước Hoa Kỳ dung nạp, nuôi nấng mình, cũng vì quyền sống người ta phải nói vậy chứ nhìn vào sự thật mấy chục triệu dân miền Nam lúc đó khổ biết kêu ai ? Chỉ biết cố và cố ngoi lên cũng không trách móc quân dân cán chình của VNCH đã bỏ chạy ! Và sau đó tiếp tục xin Mỹ nhận, Ông bạn Đồng Minh quý hoá !! Ba mình từng làm sở Mỹ ông cứ nói hoài, họ thực dụng và lịch sự, buổi sáng vui vẻ, buổi chiều khg hài lòng họ vẫn đuổi cổ mình không thương tiếc !
           Hôm nay tự nhiên muốn tâm sự một chút với các bạn lớp mình, nếu mình nói cái gì khác ý các bạn xin đừng chấp vì đó là sự suy nghĩ riêng của cá nhân mình thôi ! Nhưng mọi sự "Vô Thường" mà đến lúc những người tạo nhân phải nhận quả, đó là sự giận dữ khi lý tưởng của mình thất bại, sai một nước cờ làm hại cả dân tộc, đó là sự dằn vặt của lương tâm, sự trốn chạy không can đảm nhìn thẳng vào cốt lõi của sự việc...!
           Có bao giờ trong một phút nào đó chạnh lòng nghĩ về quê hương và dân tộc, các bạn có thắc mắc giờ đây những người còn "được" ở lại mưu sinh như thế nào, cuộc sống chật vật ra sao chưa, hay chỉ lại nghĩ đến cái "lý tưởng" xa vời....Và lý tưởng chỉ là hai chữ treo trên cao để nhìn ngắm mà suốt cuộc đời mấy ai dễ với tới ?!
             Cầu chúc mọi người an lành như đã từng được an lành trước 1975, vì lúc đó dù chiến tranh nhưng chưa có Bác và Đảng !! 
NM Phan thị Ngọc Diệp

Cầu an hay cầu ăn ?!
          Chiều hôm qua là ngày 23/2 tức 16 âm lịch tháng giêng, cũng giống như mọi năm khu phố 4 nơi tôi cư ngụ lại tổ chức lễ Cầu An, cầu cho quốc thái dân an ?! Đây là năm thứ 10 tôi ở đây và cũng là lần thứ 10 tôi chứng kiến...bằng âm thanh !
           Từ 2g trưa là ban tổ chức đã rộn ràng làm sân khấu thử loa bằng những bài hát Xuân, năm nay có mạnh thường quân tài trợ đội lân....
            Chiều mát 5g thì khai trống thúc giục rôm rả, sau màn giới thiệu khai mạc, có đủ quan viên, toàn là "chủ tịch" khu phố, tổ trưởng, CA khu vực....Sau màn đọc sớ tế lễ múa lân là màn văn nghệ "cây nhà lá vườn" của các ông bà lớn tuổi kiêm lớn chức, loa vặn lớn cho bàng dân thiên hạ thưởng thức những âm thanh tuột dây cót nghe thật chướng tai, có cả hợp ca của các bậc lão thành tiền bối ! Mà ngày xưa đáng lẻ đến tuổi nầy ngồi nghiêm nghị trong nhà cho con cháu quý trọng
             Ban đầu cho phải phép trước đại diện địa phương, các ông bà ca "nhạc đỏ" dĩ nhiên đầu tiên là quốc ca chỉ 1 bà hát nghe buồn ngủ và tiếp theo 1 loạt bài hát ....chống Mỹ như : bọn giặc Mỹ còn đây...., pháo anh trên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ, bác đang cùng chúng cháu hành quân....dĩ nhiên lại chống Mỹ ....!!
           Thật là buồn cười và mỉa mai khi hàng ngày trên mạng xã hội đưa ra hàng loạt tin mới TQ xâm chiếm biển Đông, Thủ tướng NTD yêu cầu Mỹ cương quyết can thiệp mạnh hơn ở biển Đông ...
             Mỉa mai hơn là cả hai tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố của tôi không có mặt, người dân dến lèo tèo thắp nhang , sau đó mới là phần ca nhạc chính của ông bà già, họ ca toàn nhạc "Sến" và nhạc tình cảm, tôi không bao giờ ghé mắt xem vì nó chỉ là một trò lố bịch, 1 cái cớ cho thiên hạ có dịp thu tiền ăn uống, ca hát, cháu trai đi làm về gần 11g đêm thấy giờ đó mà trên bàn vẫn còn đầy ắp những đĩa thịt quay, thức ăn ê hề
           Ôi thật mừng cho cô hồn được dịp thoả thuê no say ?! Chỉ có lên đây 1 quận mới xa trung tâm thành phố mới có thiên đường ăn uống và ca hát như vậy, và có lẻ ở đây toàn dân tứ xứ đa phần là Bắc 75 và Trung kỳ mới con cháu Bác cho nên...dốt thời sự cứ nhớ về năm 75 mà quên thù địch của mình bây giờ là ai, cứ nhắm mắt ăn và hát ....sau khi ra mắt cho có lệ vài bản nhạc ....buồn !!!....
            Thực trạng lạc hậu của cán bộ già và trẻ là thế đấy, giặc tới thì hay chứ cầu ăn cứ cầu !!
NM - Phan thị Ngọc Diệp

NTV 9 - Tờ vé số với ba niềm hi vọng


Kiếp nghèo

Cám ơn người đã cho tôi được thấy,
Một niềm vui chân thật rất giản đơn...
Khiến cõi lòng xao động ấm áp hơn,
Khi ta được sẻ chia cùng mơ ước !!
NM  
Kết quả hình ảnh cho hy vọng
Tờ vé số với ba niềm hi vọng!
            Tôi bước ra khỏi cửa tiệm uốn tóc thì đã hơn 6g chiều ! Lâu thật, hơn 5 tiếng đồng hồ cố gắng chờ để được tóc tai gọn gàng, một phần vì thời tiết hãy còn nóng nực dù giữa trưa đã có cơn mưa thật lớn...một phần dự định sẽ tham dự buổi họp mặt với các bạn học ngày xưa ...
          Trời hãy còn mưa lác đác cho nên mau sẫm tối , con đường vắng vẻ phải rảo bước nhanh nhưng cũng phải cẩn thận vì mặt đường ướt át trơn trợt, ghé tiệm thuốc tây quen đưa cho cô dược tá hủ gel xoa bóp làm mẫu cô nói đây là hàng xách tay ở đây không có ....
           Cất hủ gel vào giỏ tôi lại cắm cúi đi .... Lúc bỏ hủ gel vào túi  mới sực nhớ đến mục đích thứ hai là ghé vào đại lý vé số đổi tờ trúng 100.000đ của xổ số Vĩnh Long tuần vừa rồi !
          Đại lý vé số nằm ngay góc con đường tôi đang đi và sẽ quẹo về nhà , tủ vé số nằm gần sát lề đường cho nên chỉ đủ cho một người đứng, khi tôi đến thì đã có ba người ở đó, chủ đại lý là một ngưởi đàn ông trung niên vui tính, ông đang "lai rai" với hai người bạn nhà kế bên, ông đứng dậy vui vẻ tươi cười chào đón, biết mình đến sau tôi hạ cây dù đang che đứng sau lưng hai người đàn bà đang đứng cạnh nhau một bên tủ, phía trước mặt tủ lại có một người đàn ông đang ngồi trên chiếc xe đạp, vì muốn nhường cho ba người đến trước tôi có cơ hội  nhìn kỹ thì thấy cả ba đều ăn mặc lam lũ, người nào cũng có áo khoác bên ngoài, loại áo khoác dành cho người lao động cả ba đang móc trong túi ra mỗi người vài ngàn bạc lẻ...! Hơi ngại ngần nhìn tôi một chút nhưng rồi hai người phụ nữ cũng lấy ra mỗi người 3.000$, người đàn ông thì đang loay hoay kiếm tiền trong túi...
           Ông chủ đại lý hình như khá quen với ba người cho nên vui vẻ hỏi tôi cần gì, tôi nói tôi chỉ đổi tờ vé số trúng 100.000$ tuần rồi của đài Vĩnh Long, rồi tôi trao tờ vé số đó cho ông , ba người kia sau vài phút chần chừ thấy tôi chỉ đổi tờ trúng 100.000$ cho nên gom đủ 10.000$ họ đưa cho chủ đại lý....!!
            Thật bất ngờ và không nén nỗi cảm xúc khi chứng kiến nét ngại ngần, chần chừ rồi gom góp với nhau cho đủ tiền mua duy nhất 1 tờ vé số với tất cả niềm tin cẩn với nhau, giản dị trong hành động nhưng cũng thật là thương cảm....!
          Ông chủ đại lý xác nhận tờ vé số của tôi  đúng và vui vẻ nói cô ủng hộ cho con 2 tờ nghe ! Tôi chỉ gật đầu vì đang xúc động khi chứng kiến cảnh ba người cùng nhau vét tiền mua duy nhất một tờ vé số với những đồng tiền đã cũ và hơi nhăn được lấy ra từ túi áo trong, cả ba đều cẩn thận vuốt cho ngay thẳng rồi mới gom lại trao cho người đàn ông ngồi trên xe đạp, trịnh trọng như hùn nhau mua một cây vàng !! Hẳn là bao nhiêu niềm tin và hy vọng đều đặt cả vào tờ vé số trên...

          Bỗng dưng mắt tôi cay cay, tờ vé số trúng 100.000$ nầy tôi đã mua giùm một người đàn ông bán vé số trong sân chùa Phong Linh hôm lễ Phật Đản ở Thủ Đức, đây là ngày lễ Phật lớn nhất trong năm thế nhưng chùa rất vắng khách thập phương giống như các chùa khác ở vùng Thủ Đức nầy ! Một điều rất lạ và thật ngạc nhiên vì hôm nay lại là ngày thứ bảy...!
           Lúc đó lạy Phật xong tôi ra ngồi băng đá chờ cháu trai, một người đàn ông hơi đứng tuổi cao ráo cũng đang ngồi ở đó, ông mặc chiếc áo kaki xanh, ông nhìn tôi cười và nói :
           -" Chùa vắng quá cô, đây là lần đầu tiên mà tôi thấy ! Không hiểu tại sao nữa"
           Rồi ông lại nói tiếp :
         -"Bên chùa Thanh Long cũng vậy tôi vừa bên đó qua ngồi nghỉ mệt ! Thật là lạ "
           Bây giờ tôi mới nhìn kỹ thì thấy trên tay ông có một xấp vé số, tôi nói:
         -" Ở đâu cũng vắng vẻ tôi đi từ chùa Hội Sơn và Bửu Long qua dây, có lẻ sẽ ghé chùa Thanh Long"
           Tôi nhờ ông chọn đại một tờ nào đó cho tôi, và đưa ông 15.000$, ông rất ngạc nhiên nhìn tôi cười và cám ơn. Khi cháu trai chạy xe đến tôi chỉ ông nói với cháu bên chùa Thanh Long cũng vắng chú nầy cho biết như thế, cháu cũng lựa một tờ rồi trả xấp vé số cho ông, ông đứng lên vui vẻ:
            -"Thôi bây giờ còn ít chắc sẽ quay lại chùa Thanh Long"
           Nhìn quanh không thấy chiếc xe đạp nào tôi mới biết là ông  đi bộ, dù không xa lắm nhưng giữa trưa nắng như vầy thật là tội nghiệp !
          Chúng tôi qua chùa Thanh Long, trên đường thấy bóng dáng ốm cao trong chiếc áo xanh đi giữa trời trưa nắng mới thấy mình hạnh phúc hơn người.Tôi nói với cháu bây giờ mình không có tiền nhiều nhưng gặp ai lớn tuổi mình mua 1 tờ và trả thêm cho người ta... Mình phải mua rồi đưa thêm vì có lần tôi chỉ đưa tiền mà không lấy vé số có người nhất định không lấy.Tôi còn nói đùa, nếu tờ vé số lúc nảy trúng sẽ giữ số tiền đó lấy hên để kỷ niệm một "Mùa Phật Đản buồn", không ngờ là tờ vé số đó trúng thật dù chỉ 100.000$.....

          Ban đầu tôi định đưa 20.000$ lẻ cho chủ đại lý rồi giữ nguyên tờ 100.000$, nhưng nhìn ba người hùn nhau mua một tờ vé số như vậy thì tôi chợt đổi ý, cầm hai tờ vé số mới trên tay với 80.000$ kèm theo, tôi chào chú đại lý rảo bước qua ngang người đàn ông trung niên ngồi trên chiếc xe đạp, có lẻ cả ba ngại ngần chờ tôi qua khỏi cua quẹo rồi mới chọn vé số chăng ?....
             Đột ngột tôi quay lại theo quán tính và dúi hai tờ vé số vào tay người đàn bà đứng gần nhất rồi quày quả bước đi, tôi không nhìn lại nhưng biết họ sẽ rất ngạc nhiên vì bất ngờ, tôi biết nếu tôi không làm như thế mà đối diện đưa cho họ, họ sẽ tự ái không nhận...!
*****
            Mưa vẫn còn rơi, tôi vẫn che dù, nhưng má tôi đã ướt vì nước mắt, người dân hiền lành nghèo khó của quê hương tôi đó và tôi tự hỏi sao hơn 40 năm hoà bình mà dân tôi vẫn còn nghèo ?! Nghèo nhưng hiền lành trong sạch, hi vọng rằng cái "lộc" trong mùa Phật Đản chiều nay sẽ đem may mắn đến với họ, mỗi người một tờ không phải chia ba...!!
         Bên kia đường có tiếng hát nhà ai vọng ra :
        "....Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài....Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai....?"
NM - Phan thị Ngọc Diệp
Kết quả hình ảnh cho nụ hồng nhỏ


NTV 8 - Món quà quê




Quà quê  

Một chút quà quê nhỏ, 
  Sao đậm đà thân thương ?   
Chân quay vđến ngõ... 
Mà lòng còn vấn vương !

   NM

Món quà quê
          Tối mùng 3 Tết Ti hỏi : 
          -Như vậy hết Tết rồi sao ? Có còn cúng ông bà như mấy hôm nay nữa không? 
          Tôi nói với cháu 

         -Năm nay đơn giản hơn nữa, buổi sáng cúng mùng 3 rồi cho nên xem như cúng tất và mình có thể đi đâu đó cả ngày  
          Nhìn nét mặt Ti biết là cháu thích đi xa, lang thang qua những con đường đầy cây xanh, ngắm và thưởng thức mùi thơm của rơm rạ, những ngày cuối năm lúa đã gặt hết, đâu đó thấp thoáng trong vườn nhà ai những đụn rơm vàng ươm cao ngất, mùi rơm mới lan toả trong sương thật nhẹ nhàng và thân thiết 
           Ti hỏi:
           -Chương trình Tết có còn không ?
           -Vẫn còn nếu muốn ! 

          Chiều hôm qua tôi nhận được lời chúc Tết từ Gò Công của Đông, sau khi chúc xong Đông hỏi Tết hai cô cháu có đi đâu chơi chưa, vẫn còn mỏi mệt do dư âm của những ngày chuẩn bị đón Xuân, tôi nói khéo : "Chị và Ti chỉ đi chùa lòng vòng trong thành phố, qua nhà mấy đứa em và cũng chưa biết đi đâu vì hãy còn mệt quá " thấy vậy Đông ngại không rủ về Gò Công nữa 
           Chỉ vỏn vẹn 2 ngày nữa là Ti đi làm, không đi chơi xa cũng tiếc cho công sơn cửa, dọn dẹp tất bật chuẩn bị Tết, tôi nói: 
           -Hay là ngày mùng 4 đi Gò Công thăm Thầy Kinh ở chùa Thái Bình xong rồi ghé nhà bác Đông (Thầy Kinh trụ trì chùa là anh ruột của Đông), hôm qua bác Đông gọi điện chúc và có ý muốn mời mình xuống chơi đó ! 
           Ti mừng rỡ hưởng ứng liền, tôi vội sửa soạn chút quà và tập vỡ cho hai cô con gái nhỏ của Đông để sáng sớm lên đường, tranh thủ thời gian ghé biển Tân Thành hóng gió !! 
          Gọi điện thoại báo cho Đông hay hai cô cháu sẽ xuống chơi và dặn dò đừng lo lắng chuẩn bị tiếp đón gì hết, qua điện thoại nghe giọng Đông vui hẳn lên.... 
***  
           Hơn 5g sáng hai cô cháu khởi hành ẳm theo Lucky, con chó nhỏ vì hai con gái Đông rất yêu thích, những lần đi không mang Lucky theo tụi nhỏ cứ hỏi và dặn dò khi nào có về nhớ mang theo Lucky 
            Đến Gò Công hơn 7g30 sáng, ghé tiệm mì gần chợ ăn sáng rồi Ti mới chở đến nhà Đông, con đường dẫn đến nhà Đông hai bên vẫn còn rộn ràng không khí Tết... Những cây mai hoa vàng còn nở đầy, chen với sắc rực rỡ đủ màu của hoa giấy, màu đỏ thắm của hoa mồng gà làm vơi bớt phần nào làn gió se lạnh của buổi sáng sớm mùa Xuân
 Nghe tiếng gọi, cả nhà chạy ra đón, có cả Nga và con gái về chơi, Nga là em gái út của gia đình ở Biên Hoà, vì có dặn Đông không nói trước cho cả nhà biết  bất ngờ ai cũng vui...Sau khi thăm hỏi nhau rối rít, hai cô cháu tạm biệt đi ra biển, cô vợ Đông và Nga dặn nhất định phải quay về ăn cơm trưa

       Trong những ngày này biển Tân Thành thật
đông vui, hai cô cháu vào quán uống nước dừa và nhìn ra biển, hôm nay biển cạn du khách tha hồ lội bùn cào tìm nghêu và ốc, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến nước biển rút ra xa cho nên vừa trên bờ, vừa trên biển đâu đâu cũng có người ...Gió mát thổi từ biển vào mang theo mùi của biển miền tây, không có vị mặn của muối như biển miền đông nhưng vị của phù sa, của mùi bùn thân thuộc !! Gần 12g trưa Ti hối quay về nhà Đông vì sợ cả nhà trông
Vừa đến nhà Lucky chạy vội ra sau bếp, mon men đến chuồng gà, có lẻ nhìn lạ mắt nó cứ đưa mặt sát vào chuồng mà nhìn làm các con gà hoảng sợ "cục tác" om sòm. Bữa cơm được dọn dưới đất gần sân sau có ruộng, gió mát thổi liên tục mang theo hương mạ non thật dễ chịu vô cùng 
  Bữa ăn trưa ở nhà Đông duy nhất món lẩu cá diêu hồng và nuôi xào bò cho trẻ em thế mà vui và rôm rả, rau gồm có những cọng súng mập tròn, những đọt rau muống non hái vội trong ao nhà và vị ngọt dòn của đậu bắp tươi xanh mới hái sau vườn... Chỉ có bấy nhiêu thôi mà ngon miệng, hương vị dường như xa lạ với rau thành phố...

            Vợ chồng Đông giữ lại nghỉ trưa chiều mát hãy về, thế nhưng Ti vẫn còn ham mê "khám phá", nó rủ về sớm để đi vòng tìm ngõ tắt qua Mỹ Tho chuẩn bị cho ngày Thanh Minh về Sóc Trăng tảo mộ , vợ Đông cố giữ lại không được nên vội vã soạn quà cho hai cô cháu
            Món quà quê là một keo dưa cải chua có kiệu và hoa cà rốt, vợ Đông cẩn thận gói từng quả trứng của gà nhà, những quả trứng gà ta không to lắm nhưng khi ôm bọc trứng gà cho Ti bỏ vào cốp xe cho an toàn, tự nhiên tôi cảm thấy thân thương và ấm lòng, chợt nhớ lại thuở bé, mỗi lần gà cục tác khi đẻ trứng xong là tôi vội chạy đến bên chuồng chờ cho trứng cứng cáp nhè nhẹ thò tay lấy trứng, với đôi bàn tay bé nhỏ sợ trứng rơi tôi nâng niu và ấp chúng trong đôi tay, cảm giác hơi nóng của quả trứng làm tôi vui mừng nghĩ rồi đây chị em tôi sẽ có đàn gà con chạy khắp sân ...
Vợ Đông nói kỳ nầy sẽ không cho gà ấp trứng nữa mà để dành trứng cho con ăn... 
 ***
             Mùa Xuân vẫn còn trải dài trên con đường từ Gò Công về thành phố, trước sân nhà nào cũng có ít nhất một cây mai vàng đang khoe sắc, ngồi sau lưng Ti tôi cứ miên man nghĩ về món quà quê, về hủ dưa cải vợ Đông kể mót lại những cây nhỏ làm dưa sau khi tỉa những cây cải lớn, về những quả trứng dành dụm cho con, nãi chuối xiêm mới cắt còn tươm mũ, những vắt me chín màu vàng nâu không hạt cặm cụi làm khi con còn say ngủ.... 
            Ti quay lại hỏi ;
            -Cô hai nghĩ gì mà con hỏi không nghe 
            -Nghĩ về những món quà quê, thật vui và thân thiết gợi nhớ lại một thuở bé thơ có mẹ có cha,..
          Hai cô cháu không hẹn mà cùng nói Tết năm sau sẽ về lại Gò Công, ăn món bánh giá mà năm nay chưa được thưởng thức, ngồi trong quán uống nước dừa nhìn mọi người vui chơi..., ngắm hàng đống nón rơm đủ màu sắc chồng chất trên bờ biển được bán thật nhanh cho du khách dùng che nắng, và nhất là nghe tiếng cười reo vui, mừng rỡ của ba cháu bé đón chào...
             Ôi! chỉ có món quà quê đơn sơ như vậy mà làm cho mùa Xuân thêm thi vị và ấm áp hơn biết bao nhiêu ?!
            Gò Công ơi, hẹn sẽ trở lại vào mùa Xuân năm sau nhé....!
NM Phan thị Ngọc Diệp



NTV 7 - Tiếng chuông khuya

Truyện ngắn " Tiếng chuông khuya được chọn đăng trên báo Giác Ngộ năm 2016

Tiếng Chuông khuya

Tiếng chuông xưa 
Chuông xưa không thanh thoát, 
Âm ba lại trầm buồn... 
Nhưng ngân dài nhắc nhở, 
Một thời thương nhớ thương !! 

NM
 
Tiếng chuông khuya
           Ba tôi bệnh rất nhiều, mẹ và cậu ba đã cố gắng đưa ba đi trị bệnh khắp nơi, từ thuốc tây cho đến thuốc ta ! Càng ngày ba tôi càng gầy ốm, bác sĩ nói ba bị thương hàn lại bệnh lâu không ăn được như bình thường nữa, chỉ húp nước soupe và nước gạo lức rang vàng mà thôi ! 
         Phòng của ba mẹ và phòng khách được ngăn bằng tấm vách tường, nhà tôi rộng bề ngang cho nên phòng khách chia hai, sát tường bên tay phải là cái divan gỗ xưa, divan nầy và cái đồng hồ cổ là hai vật kỷ niệm "dằn tâm" của người chủ trước căn nhà đã tặng lại cho ba mẹ tôi .  
         Chiếc divan được dặt sát tường kế bên cửa sổ nhỏ nhìn qua sân nhà ông Mười, hai chị em tôi ngủ trên divan nầy. Cách divan một khoảng rộng hơn một chiếc chiếu là bộ salon bằng mây có lót nệm đỏ
        Giữa bức tường trên cao ba có làm một khung hình bán nguyệt, phía sau khung bán nguyệt có thờ hình Phật Quan Âm in trên giấy carton dầy lộng trong cái khung kính mạ vàng. Đây là hình Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, tay phải có bế một em bé trai còn rất nhỏ, tay trái cầm nhành dương liễu, quỳ dưới chân bà cũng là một bé trai lớn hơn bé trai kia tay cầm vòng càn khôn 
        Khi mới dọn về nhà nầy ba mẹ qua chùa Phật Bửu Tự thỉnh tranh Phật về thờ cùng với bài vị Thần tài và ông Táo, hàng ngày khi thì mẹ khi thì ba hay cậu đốt nhan và cúng trái cây ngày rằm hoặc mồng một. Từ khi ba bệnh nhiều, ngoài người thân trong gia đình thì có hàng xóm tới thăm, trong số đó có bà Tư đầu xóm lớn tuổi nhất, bà khuyên mẹ qua chùa quy y và thỉnh kinh về đọc cho ba, mong ba có thể được Trời Phật gia hộ mau chóng khỏi bệnh  
          Ba bệnh nhiều nên  mỗi một lần người lớn hoặc chị em tôi có việc phải đi ngang qua cửa buồng của ba thì ba thường nhíu mặt, đi khẻ cách mấy ba cũng nghe và khó chịu trong người, cho nên mẹ hay chắc lưỡi ngó làm chúng tôi càng sợ, không dám nhìn và thật ra người lớn cũng không cho con nít vô sợ truyền nhiễm ! 
         Ba cứ nằm như vậy mà không thuyên giảm, thế là mẹ nghe theo lời bà Tư qua chùa Phật Bửu Tự chính thức quy y, mặc dù những rằm lớn mẹ cũng dắt hai chị em tôi qua chùa lễ Phật, ba mẹ con cũng lạy sám hối như Phật tử của chùa, có điều là vì hãy còn nhỏ nên chị em tôi giữa chừng thì thiu thiu ngủ ! Những năm tháng nầy Phật tử không mặc quần áo xám hay áo tràng như bây giờ, bà Tư và mẹ chỉ mặc nguyên bộ bà ba tay dài khi thì màu trắng lúc áo hoa nhỏ màu nhu .... 
         Sư ông trụ trì khuyên mẹ thỉnh kinh Pháp Hoa, kinh Nhật tụng, kinh Sám hối. Đêm đêm yên tĩnh mẹ ngồi xếp bng trước bàn thtụng kinh cầu nguyện cho ba. Nghe theo lời mẹ dẫn giải, ban đầu trước khi đi ngủ hai chị em tôi cùng ngồi sau lưng mẹ, cũng đứng lên, quỳ xuống giống mẹ, vì hãy còn con nít cho nên em tôi ngủ hồi nào không hay, còn tôi tuy buồn ngủ nhưng cũng ráng ngồi....Sau nầy mẹ không bắt chúng tôi quỳ sau lưng mẹ nữa, mẹ cho chị em đi ngủ sớm, tuy nằm trong mùng nhưng chúng tôi vẫn nhìn rõ mẹ trong bộ bà ba lụa trắng quỳ trước bàn thờ đọc kinh cho ba. Em tôi ngủ nhanh vì tiếng kinh nho nhỏ êm tai, riêng tôi không hiểu sao hay vạch mùng ló đầu nhìn mẹ đọc kinh 
         Nhìn mẹ rồi nhìn hình Phật Quan Âm cũng trong xiêm y lụa trắng, tôi thấy sao mẹ giống Phật vô cùng, tiếng mẹ đọc kinh nhỏ đều, thỉnh thoảng điểm tiếng chuông đánh khẻ ngân nga, thêm vào đó mùi nhang trầm lan toả xen với mùi hoa dạ lý hương nở về đêm làm tôi cảm thấy dễ chịu, một niềm an ổn vô biên thật nhẹ nhàng nhưng ấm áp lan toả, tôi không muốn ngủ dù rất buồn ngủ... 
         Mẹ chỉ đánh chuông mà không gỏ mõ, tiếng mõ tuy không lớn nhưng ba không chịu được, một điều lạ lùng là mỗi tiếng động nhỏ hay tiếng chân đi thật khẻ cũng làm ba khó chịu chắc lưỡi, nhưng mỗi đêm tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông điểm nhẹ ba lại ngủ yên giấc hơn ! 
         Bỗng nhiên ba không húp cháo hay súp nữa, mọi người thật sự lo lắng, bà Tư an ủi khuyên mẹ cứ nhẫn nại đọc kinh cứu khổ cứu nạn cho ba....Tuy còn rất nhỏ, nhưng tôi thấy thương mẹ vô cùng, ba bệnh không đi làm được, lương của ba không đủ cho chi phí thuốc men, ban ngày mẹ phải làm sổ sách hụi hàng, mẹ còn theo bà Tư hướng dẫn mua bán cẩm thạch và hột xoàn thêm mới đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Tối về, sau khi xong mọi việc thì mẹ lại lo kinh kệ cầu nguyện cho ba ! 
          Có một đêm ba trở bệnh nặng hơn, mẹ dắt hai chị em vô phòng thăm ba, nghe tiếng mẹ gọi, ba chỉ mở mắt lờ đờ nhìn rồi lại nhắm mắt hình như khó chịu trong người, mẹ lại dắt hai chị em đi ra, lần đó tôi thoáng thấy mẹ và cậu khóc ! Ba ra dấu than lạnh, cậu ba lấy khăn hơ trên than nóng đắp lên trán, trên tay và chân cho ba, nước mắt cậu rơi trên than nghe xèo xèo ! 
         Rồi mẹ cố gắng đọc kinh, tiếng mẹ đọc nhỏ nhưng không đều đều như trước mà thỉnh thoảng ngắt quảng, chắc mẹ khóc âm thầm như cậu! Đêm đó mẹ đọc khuya thật khuya, mẹ ra dấu kêu tôi ngủ không cho ló đầu ra ngoài mùng nữa! 
         ....Thức hơi khuya, cho nên buổi sáng hai chị em tôi dậy muộn, nắng rọi từ cửa sổ phòng khách xuyên qua mùng làm chị em tôi tỉnh giấc, cũng ngạc nhiên vì không ai đánh thức. Trong phòng ba có tiếng nói của mẹ và cậu cùng vài người hàng xóm, mọi người nói chuyện bình thường không khe khẻ như trước! Một việc khác thường chưa từng có trong thời gian ba bệnh nặng, lúc trước ai đến cũng đi thật khẻ, nói thật nhỏ, vô thăm ba xong đi ra phòng ngoài mới dám nói chuyện với mẹ 
        Tò mò không giữ ý nữa, tôi và em gái chạy vào phòng xem sao thì thấy ba đã mở mắt, mặt ba tỉnh táo và sinh động hơn, ba không khó chịu khi có đông người....Theo lời ba kể lại sau nầy, đêm đó ba thấy mệt mỏi vô cùng, người bứt rứt nặng nề mà không mở miệng nói được, tuy nhiên ba vẫn nghe tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông gỏ nhẹ bên tai.....Ba nghĩ rằng có lẻ ba sẽ không qua khỏi cơn bệnh nầy, ba nói đột nhiên ba chảy nước mắt, lúc ấy ba bỗng thấy có một bà rất đẹp như bà tiên mặc bộ đồ lụa trắng dài đứng bên giường cúi nhìn ba và nói với ba là mệt lắm phải không con, bây giờ cố gượng nhổm cái lưng lên bà sẽ bế con xê qua phía bên kia con sẽ đở mệt !! 
         Như có một sức mạnh huyền bí nào đó tự nhiên ba nghe theo cố gồng cho lưng mình cong lên và bà đó lòn hai cánh tay xuống dưới lưng ba đưa ba qua phía bên kia giường, lúc đó ba nói người ba như có luồng gió mát thật nhẹ nhàng, ba cảm thấy như mình qua một giấc ngủ dài, không nóng nảy, không nặng nề và tỉnh lại thật bình thường !! 
        Mọi người đều mừng và chúc ba sớm bình phúc, ba cảm thấy đói bụng đòi ăn cháo !! Và từ từ sau hôm đó ba khoẻ lại, ba ngồi lên được và cậu ba dìu ba đi chầm chậm trong nhà ....Mọi người đều nói đó là nhờ công đức của mẹ đã hết lòng trì tụng cầu nguyện cho ba 
         Ngày ba khoẻ lại hẳn, bà ngoại ở Bạc Liêu lên, bà con bên ngoại ở Xóm Củi, bà con bên nội ở Tân Định đều ghé thăm, nghe mẹ kể lại câu chuyện nằm mơ của ba ai cũng tin đó là Phật Quan Âm chứng cho lòng thành của mẹ, em gái tôi ngây thơ hỏi ba như vậy bà đó  ẵm ba thiệt hả ba, sao bà ẵm ba nỗi, sao con thấy ba vẫn nằm chỗ nầy mà ? 
         Câu hỏi ngây thơ của em làm mọi người ai cũng cười, tôi thấy ba nhìn lên bàn thờ và nói "Nét mặt của bà đêm hôm đó cũng hiền từ nhân hậu như hình Phật Bà trên trang...!" 
        Ông nội vừa qua đời xong thì tới ba tôi bệnh....Giờ đã qua hết rồi "tang khó", bà con chúc ba mẹ sẽ có hai em trai khôi ngô tuấn tú như hình hai em bé trong hình thờ Phật... 
         Mẹ và ba tôi lần lượt qua đời hơn 30 năm, không gia sản để lại cho con, cái còn lại duy nhất là cái chuông ngày xưa, tấm hình Phật Quan Âm cùng hai bé trai cũng mục nát, kệ khung thờ bằng gỗ bị mối ăn, sau nầy mẹ thỉnh lại tượng bằng gốm, Tiếng của chuông không còn trong và ngân nga như xưa, nhiều lần đi chùa nghe tiếng chuông mới tuy nhỏ nhưng ngân vang, tôi có ý muốn thỉnh cái chuông khác....Nhưng tôi lại chạnh lòng, đây là cái chuông duy nhất còn sót lại của căn nhà bé thơ năm xưa sau nhà lầu năm tầng, đây cũng là di vật của mẹ cha để lại, kỷ niệm một thời hạnh phúc đầm ấm lúc còn ba mẹ cùng hai chị em tôi khi chưa có hai em trai 
         Và tôi lại đổi ý, đây là chuông của kỷ niệm nghĩa mẹ tình cha, tiếng chuông linh ứng hoà với tiếng đọc kinh của mẹ đã đưa ba vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, tiếng chuông đánh động lòng từ bi của Đức Phật, cho nên dù chuông có rè không ngân nga, không sáng bóng như xưa nhưng đó là một báu vật mà tôi cần phải luôn gìn giữ !!
NM - Phan thị Ngọc Diệp 
ạo Phật và Tôi )