Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

NTV 25 - Cảng Lộc An bây giờ

  Tình Theo Bến đỗ

Thuyền xa bến đỗ

Bến đỗ
Sóng biển mênh mông, sóng dạt bờ,
Một mình chèo chống chẳng bơ vơ...
Xuôi về bến đỗ bình yên sống,
Một cõi trần gian như ước mơ
NM

                     Cảng Lộc An bây giờ
Mới hơn một năm quay lại Lộc An giờ thật nhiều thay đổi, lúc ngồi trên xe sau lưng Ti xe chạy từ Long Hải đến Bình Châu thì đã nhìn thấy loáng thoáng qua hàng dương bên đường lô nhô những hàng cục đá mà nơi trước đây chỉ là bãi cát và thuyền thúng mang hải sản từ ghe lớn vào bờ...
Tò mò cho nên khi quay trở lại hai cô cháu đồng ý ghé vào xem cho biết nếu khg lại cứ nghĩ có lẻ đây hàng sản xuất của một công ty nào đó mới thành lập, nghĩ lại thật buồn cười vì...nhà quê !

Cảng LA giờ thay đổi hoàn toàn, nếu trước đây là một bãi cát vắng thoáng đầy nắng và gió nhìn eo hẹp như cửa sông thì bây giờ vẫn như thế, nhưng giờ đây ngay bãi cát là một hàng đê chắc chắn và một bãi đá cũng tương đối dày dặc
Trước mắt tôi là một khu dân cư khá trù phú, nhà cửa, quán xá và ngay cả đường đi còn mới toanh từ quốc lộ vào được tráng ciment sạch sẽ

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

NTV 24 - Vẻ hoang sơ của Biển Thừa Đức Bình Đại Bến Tre

Lý Ba Tri

Ba Tri Quê Tôi

Dấu xưa,
Đây có phải gần bốn mươi năm trước,
Người ra đi với mộng tưởng ước mơ...
Và ngờ đâu mộng ước chỉ đến ...bờ,
Rồi vùi lấp trong lớp bùn biển mặn !

Bốn mươi năm ngỡ qua đi thầm lặng,
Biển ngày xưa vẫn là biển ngày nay.
Trong tâm tình cũng có chút đổi thay.
Nhưng luôn nhớ thuở hồng hoang tuổi trẻ !

Biển bạt ngàn xa khơi nhưng lặng lẽ,
Sao không là biển cạn giữa cơn giông ?
Thuyền đã không chìm lấp giữa mênh mông
Em đã khóc vì bên em biển động !!
NM
 
Vẻ hoang sơ của biển Thừa Đức Bình Đại Bến Tre
Sau khi xem lễ Nghinh Ông ở Bình Thắng rồi tìm tham quan xưởng đóng ghe tàu ở gần cửa Đại thì cũng gần 10g sáng, bây giờ phải tìm đường ra biển Thừa Đức thôi, tuy chưa đi biển Thừa Đức bao giờ nhưng nhờ Google và hỏi thăm dân địa phương hai cô cháu cũng tới nơi và cũng ....đói bụng nữa, bây giờ đã hơn 11g trưa rồi !
Nhưng làm gì thì làm cũng phải chọn chỗ ngồi nghỉ ngơi và ngắm cảnh trước đã, hôm nay có chở theo Lucky, nó có vẻ mệt vì trời hanh nắng cho nên chưa gì nó đã vội chui nằm dưới ghế cho mát dù bên trên là mái lá, có lẻ như vậy chắc ăn hơn !
Quả thật biển Thừa Đức rất là hoang sơ, toàn bộ khu nhà mát dành cho du khách đều lợp bằng lá nhìn đơn sơ nhưng cũng khá chắc chắn, có lẻ vì biển còn tiếp tục lấn vào bờ cho nên không ai dám đầu tư kể cả nhà nước, hôm nay biển cũng vắng do lễ Nghinh Ông, ngoài một số khách từ xa ra tắm biển thì bãi cào nghêu chẳng có một ai
Đặc điểm của lều quán nơi đây là du khách tự chọn chỗ cho mình ngồi rồi dắt xe vào để gần và tự trông coi xe, người ta cũng không thâu tiền ghế, và có lẻ họ tính vào tiền thức ăn mà khách sẽ đặt món, quán có bán hải sản và chế biến đủ các món hải sản, nhưng đặc biệt nhất là món bánh xèo, hai cô cháu dị ứng với hải sản chỉ ăn được chút chút cho nên Ti thường gọi nghêu hấp xả và nhất là không quên món bánh xèo giòn thơm ngon...
Bánh xèo đem ra là ăn trước trong khi chờ đợt bánh thứ hai thì ăn nghêu, nghêu ngọt, mềm thơm mùi vị khác hơn nghêu Long Hải, Gò Công một chút. Bếp nằm lộ thiên trước căn nhà nhỏ ở cuối dãy lều mái lá, đó là một gia đình đông vui, từ lớn đến nhỏ đều tích cực phục vụ khách ngay cả những đứa bé 7,8 tuổi cũng phụ mẹ xếp dọn bàn ghế cho khách, vừa đói lại ngon miệng hai cô cháu ăn hết....8 cái bánh xèo !!
Vừa ăn vừa nhìn ngắm chung quanh biển vắng vì thế tầm nhìn thật thoáng, thực khách đến cũng lai rai, mấy đứa bé tha hồ tắm mát vì có chỗ nước vào gần lều, ngoài xa vẫn có tàu qua lại có thể là tàu về trễ hoặc tàu ở nơi khác đi ngang qua vì Bến Tre có đến ba biển, cho nên ngày trước Bến Tre tuy mang danh "Quê hương Đồng Khởi" thật, nhưng Bến Tre cũng là nơi tổ chức vượt biên tương đối nhiều nhất, khi bị bắt thì Bến Tre còn mang thêm cái tên "Quê hương Đồng Khổ" do thân nhân đi nuôi tù vượt biên đặt cho quê hương nầy vì luật lệ CA biên phòng ở đây rất gắt gao mà khi được duy lý vào thành phố cũng khó khăn không kém
Ngồi đây nhớ lại lúc đi nuôi hai em "kẹt giỏ" năm 78 thật là bàng hoàng, cực khổ mà cũng vui vì có lần "chọc quê" được anh CA huyện !!
Có lẻ sóng biển đánh vào tận nơi nầy cho nên chỉ còn lại dấu tích của mấy tấm vách tường ...chơ vơ cùng tuế nguyệt ! Ngoài kia dãy lều gần biển cũng vắng vẻ chắc họ cũng sẽ di chuyển vào trong nầy thôi, Ti nói chụp một ảnh để lưu lại kỷ niệm của.... kỷ niệm từ 1978 !!
Nếu bỏ ra hết ngoại cảnh bên ngoài bờ biển mà chỉ chú tâm vào phong cảnh trên bờ biển Thừa Đức nầy tự nhiên chợt nghĩ cái thuở "hồng hoang 1978" mà hai đứa em ra đi cũng ở Bình Đại Ba Tri thì chắc khung cảnh cũng không khác xa mấy, chỉ nghe nói là hoang sơ toàn là ngư dân và biển thì đấy bùn đất. Mới đó mà đã gần trọn 40 năm, chỉ trong 10 giờ đồng hồ mà hai cô cháu đi từ Sài gòn đến Bình Thắng xem lễ rồi đi ra cửa Đại tìm xưởng đóng ghe tàu và cuối cùng thì về đây khoảng hơn 1 giờ trưa sẽ về lại Sài gòn... Thật khác với ngày trước mỗi lần đi thăm nuôi phải đi từ 2 giờ sáng ra Xa cảng, xếp hàng mua vé là một cực hình xe đò cũ chạy bằng than vừa chạy vừa lắc lư, đã vậy còn phải qua hai bến phà mới có thể vào trại giam thị xã. Tuy nhiên trong lòng thấy có một cái gì không ổn định dù mọi việc bây giờ có vẻ tự do và thuận tiện, có lẻ vì dự tính của các em không thành công hay chốn "hồng hoang" nầy vẫn còn ghi lại một kỷ niệm khác của riêng bản thân mình, một kỷ niệm đẹp bất ngờ mà cũng thật là khó quên !!
NM PTND

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

NTV 23 - Nhớ về Lagi 2016

Tuyển tập những bài hát hay về Biển

Để nhớ lại kỷ niệm một năm ở Đồng Nai với các bạn cùng cảnh ngộ
Một lần với biển
Một lần tôi với biển khơi,
Là lần tôi biết sống đời phiêu linh...
Có chi đâu, cũng quê mình,
Cũng em, cũng bạn, cũng tình tâm giao
Cũng đồng chung phận má đào,
Cảm thông chia sẻ khác nào tình thân...
Biển giờ xa thẳm, tình gần,
Người xa, biển có bâng khuâng biển buồn ?!

NM
Nhớ về Lagi 2016
Nghe bạn Ti vừa quảng cáo vừa thuyết phục nên hai cô cháu quyết định đi Lagi cho biết.  Lagi xa hơn Vũng Tàu nhưng con đường đi rất đẹp, có điều là mùa khô cho nên hanh nắng vô cùng, cái nắng khô hanh của biển làm cho người ta khó chịu, nó không như nắng ấm ở miền Tây sông nước
Vì đi lần đầu nên sốt ruột cảm giác như con đường xa vạn dặm, nhưng rốt cuộc rồi cũng đến nơi....Vừa đến thì trời lại mưa lâm râm, đêm hôm qua ở đây cũng có mưa nên cát hãy còn ướt và rất khó chạy xe vô sâu, giờ nầy đã hơn 7g sáng thế mà căn nhà trực gởi xe không một bóng người, hỏi ra mới biết anh trực ca đang tưới cây, cô phục vụ quán ven bờ biển nói cứ khoá xe để đó không sao ! Tốt hơn hết là chờ có người rồi ra biển cũng không muộn !
Hôm nay là ngày thường cho nên biển vắng, nhưng nhờ vậy ta có thể ngắm bãi biển cát trắng trãi dài xa tít tắp và ngoài xa biển xanh ngắt một màu. Khác với biển miền Tây và so với Long Hải hay Vũng Tàu thì biển Lagi trong xanh sạch đẹp hơn nhiều nhất là như ngày hôm nay trời xanh biển rộng và cát trắng làm cho du khách có tâm trạng thoải mái vô cùng ! Giờ nầy biển hãy còn xa bờ cho nên người ta thích căng dù ngồi gần với biển để có thể vừa hóng gió biển, vừa tắm cho gần và có thể trông coi đồ đạc, trẻ em
 Ti chọn một bàn nằm trong quán vừa bán đồ ăn vừa bán hàng lưu niệm, có võng cho người lớn nằm và phao cho các bé thuê, những con thú được bơm căng phồng đủ màu sắc tạo cho bãi biển sinh động vui nhộn hơn các nơi khác
Ti cũng gọi món gỏi cá mai mà bạn quảng cáo là món ngon của Lagi Bình Thuận, và quả thật không ngoa chút nào, lại nhớ cô bạn nhỏ Minh lúc sống cùng nhau ở Đồng Nai, đêm nào mỗi khi mấy chị em ngồi xúm xít bên nhau nhớ nhà thì Minh luôn quảng cáo món gỏi nầy cùng với Thanh long Phan Thiết ! Bây giờ mỗi người một nơi và cũng chưa thưởng thức được món gỏi cá mai của Minh chiêu đãi khi được trở về nhà như đã hứa
Cuối dãy hàng quán về phía tay trái là chỗ chợ nhóm hải sản, giờ nầy các ghe lớn đã trở về và ngư dân đưa hàng vào trước bằng những chiếc thuyền thúng, xong công việc thuyền được dội nước cho sạch cát, phơi nắng cho khô rồi và úp xuống cát....Nhìn chiếc thuyền thúng rất gần như thế nầy bỗng dưng cảm thấy xúc động, kỷ niệm của gần 30 năm về trước lại hiện về....
Dạo trên cát và chọn chiếc thuyền thúng vừa ý ngồi lên cố nhớ và tưởng tượng lại cái cảm giác chông chênh trên mặt biển năm xưa
 
Trời xanh, cát trắng và biển cũng rất xanh, ngồi chụp hình trên thuyền nhớ lúc đó chỉ có bốn người và ngư dân ngày ấy chèo thuyền bằng tay chứ không có động cơ như bây giờ, ai cũng mệt và đói nên quên cả sợ hãi cố gắng giữ làm sao cho bốn người ngồi bốn góc ổn định, luôn giữ thăng bằng để thuyền mau vào bờ vì "Rớt xuống biển người nào thì bỏ lại người đó chứ người cầm chèo không thể bỏ tay chèo mà nhảy xuống biển để cứu mình " Đó là lời của vị thuyền trưởng cẩn thận dặn dò từng người trước khi thòng thang dây đưa từng "thuyền nhân vượt biên gặp bão" xuống thuyền thúng để đưa vào bờ ...
Luôn ghi nhớ và tâm niệm ơn đức nầy và luôn áy náy vì chưa được một lần nào được gặp lại để cám ơn những ân cần chu đáo của các ân nhân !! Ngồi đây nhìn ra xa sóng biển nhấp nhô mà nghĩ về những người ơn, những người của gần 30 năm cũ chừ ra sao bây giờ ? Ông thuyền trưởng của chiếc tàu năm xưa chắc hẳn không còn nữa và nếu có còn thì cũng đã già lắm rồi...!!
Ghi lại để thay cho lời cảm tạ gởi đến những ân nhân của năm 1988....!!
Một chuyến đi chơi thật là thú vị và gợi nhớ kỷ niệm xưa
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Những ngày tháng không quên)
 

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

NTV 22 - Lễ Hội Nghinh Ông tại Bình Thắng Bến Tre 2017

Lễ hội nghinh Ông huyện Bình Đại 2016

Những ca khúc về quê hương Bến Tre

Vui lễ hội
Người người vui lễ hội,
Mong ước sẽ bội thu...
Mong bình yên tất cả,
Hạnh phúc đến mọi nhà !

Giữa dòng đời tĩnh lặng,
Ngoài khơi chẳng phong ba...
Lòng người vui trẫy hội,
Mơ ước rồi nở hoa !

Thu hoạch nhiều tôm cá,
Biển lặng và sóng yên.
Bao niềm vui sẽ đến,
Cảng nhộn nhịp ghe thuyền !!
NM

Lễ Hôi Nghinh Ông tại Bình Thắng Bến Tre 2017
          Mặc dầu đã chuẩn bị và bàn nhau sẽ cố gắng về Bình Thắng Bến Tre tham dự Lễ hội Nghinh Ông hàng năm được tổ chức trong ba ngày 15, 16 và 17 /6 âm lịch hàng năm. Muốn tham dự cho đủ thì cũng như mọi lễ hội nơi khác phải ở tại địa phương ba ngày hai đêm mới được coi trọn vẹn, nhưng "lực bất tòng tâm" không thể bỏ nhà qua đêm thành ra hai cô cháu cùng thoả thuận sẽ chọn ngày 16/6 về Bình Thắng xem người ta "Nghinh Ông" !
         Đến Bình Thắng chưa tới 6g sáng và thật là ngạc nhiên khi thấy quang cảnh tại Lăng Ông Nam Hải thật im ắng, hỏi ra mới biết người ta ra biển đón Ông về từ sáng sớm, du khách từ xa muốn tham dự thì phải có mặt từ 4g sáng gởi xe rồi tháp tùng  theo đoàn ghe hơn hai mươi chiếc hộ tống ghe Cái ra cửa biển làm lễ thỉnh cá ông về..
         Lại "vuốt đuôi lươn" nữa rồi Ti tranh thủ chụp một  loạt hình chung quanh Lăng và bên trong sân đình...Lăng nằm trong khuôn viên của một chợ nhóm nhỏ cho nên cũng khá rộn rịp, ngoài khách thập phương từ xa còn có cư dân chung quanh đang bày sẵn bàn thờ trước sân đón Ông, nhất là những người phụ trách buổi lễ có vẻ sốt ruột trông ngóng vì theo như lịch trình thì phái đoàn sẽ về đây lúc 6g
         Thật đúng như chương trình gần 6g thì có tiếng xôn xao, người ta điện thoại báo cho biết đám rước Ông đã lên bờ và sẽ về đến Lăng, chưa gì mà không khí náo nhiệt hẳn lên, người ta nhốn nháo nhìn về phía cổng chào để chuẩn bị nghi thức đón Ông, hai cô cháu bàn nhau hỏi đường đi tắt ra đón từ xa vì không thể chen chúc quá đông như vậy, còn đi tham quan biển Thừa Đức nữa!
          Ngoài đoàn người dẫn đầu ra còn có đoàn xe chở bàn thờ Ông rước từ biển về, thiên hạ chờ sẵn hai bên đường để tháp tùng theo đưa Ông về Lăng
          Đám rước Ông thật long trọng với kèn trống, cờ lọng và quần áo đủ màu sắc, đoàn người từ từ nối đuôi nhau dài lê thê nhưng rất trật tự và trang nghiêm
         Có đủ các đoàn xe của đoàn thể địa phương và xe của các cảng cá tư nhân treo cờ cũng tháp tùng theo
          Hai bên đường trước cửa nhà người ta cũng đồng loạt đốt nhang để rước Ông về. Theo người dân địa phướng thì nơi đây hầu như mọi người đều làm nghề đánh cá, đời sống người dân khá lên nhiều nhờ mưa thuận gió hoà và được mùa cá ít gặp tai ương cho nên trong ngày lễ hội nầy tất cả các hoạt động đánh cá đều tạm ngưng trong ba ngày để tham dự lễ hội
          Đường ra bến cảng vắng teo không một bóng người mua bán, trước mỗi vựa cá người ta cũng bày cúng, ăn uống và hát karaoke thật vui có lẻ không khí náo nức không thua gì những ngày Tết...Các tàu lớn sau khi tháp tùng rước ông cũng cặp về ngay cửa cảng, con đường rộng thênh thang khác với cảnh tấp nập mua bán mỗi lúc ghe đánh cá vào bến cảng
          Đường vào làng nghề truyền thống khai thác Hải sản Bình Thắng ánh sáng thật chan hoà ấm áp, ngày hôm nay trời tốt và không mưa, không chỉ người ta vui lễ hội mà nhà nào cũng tụ tập ăn uống và ca hát....Tất cả đều vui đón một mùa đánh cá bội thu mới đầy may mắn và bình yên

          Tuy không tham dự được trọn vẹn lễ hội nghinh Ông, nhưng cũng thật vui khi được chứng kiến sự long trọng và niềm tin của ngư dân mong ước vào lễ hội. Cuộc sống của họ đặt vào những rủi may khi phải xa bờ, nhưng chính nhờ vào nghề đánh cá nầy mà Bình Thắng phát triển thành một cảng cá lớn nhất Bến Tre, đã có biết bao nhiêu gia đình ăn nên làm ra, nhà cửa khang trang do đó Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng, Bến Tre được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Lễ hội quê hương)