Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

NTV 13 - Cổ tích trường xưa

 Đây là truyện ngắn "tự sự" của NM, tất cả tên trong truyện đều là tên thật, duy chỉ có sư thầy Nhật Tâm và chùa Pháp Huệ đã không còn nữa, vị trí chùa nằm trong khu quy hoạch nên chùa cũng theo luật Vô thường mà đi vào hư vô !!
Theo như trí nhớ của NM thì hình như chùa Thích Ca vẫn giữ nguyên trạng, chỉ tu sữa khang trang hơn, và đặc điểm tôn quý của chùa là không thấy một thùng phước điền hay cúng dường nào cả....
Mỗi năm sau đó NM vẫn ghé chùa trong những ngày đầu năm và những dịp lễ lớn, không biết giờ có thay đổi vì những Phật sự cần thiết không

Những Ngày Thơ Mộng

Hạ buồn

Tìm lại tuổi thơ !
Tôi đi tìm lại tuổi thơ tôi,
Trường cũ chùa xưa chẳng đổi dời...
Những hình bóng cũ đâu còn nữa.?!
Tôi chỉ còn tôi, "cổ tích" ơi !
NM
 Hình ảnh có liên quan
Cổ tích trường  xưa
          Năm lên sáu tuổi tôi được ba mẹ cho đi học như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Ở gần nhà cũng có trường Tiểu học Công lập Bàn Cờ, nhưng tôi lại được ba mẹ chọn học trường Tiểu học Tư thục Trí Tri  So sánh khoảng cách giữa hai trường thì trường Trí Tri rất gần, mẹ nói để sau nầy khi lớn lên chút nữa tôi có thể tự đi học một mình và cậu ba sẽ không phải đưa đón
          Nhưng thật ra đó chỉ là một nguyên nhân phụ, lý do chính vì tôi là con gái đầu lòng, mẹ nói đứa con đầu tiên nào cha mẹ cũng quan tâm chăm sóc kỹ hơn mấy đứa em sau , ba mẹ lại không phân biệt nam hay nữ. Trước khi đi học mẹ dắt tôi qua chùa Phật Bửu nhờ sư ông xem này lành tháng tốt mới cho cậu chở đi vì trong nhà cậu Ba là người học cao. Cậu theo chương trình Pháp sắp thi tú tài, nhưng lý do chính là tôi tuy sáu tuổi bắt đầu đến trường lại không xin học lớp vỡ lòng hay lớp năm (bây giờ là lớp một) mà tôi xin học lớp tư....!
          Số phận cho tôi biết chữ rất sớm, vì thế lúc đến trường thì tôi đã biết viết chánh tả, thuộc lòng cửu chương và làm toán khá rành. Ba mẹ cho học trường tư vì muốn sau nầy tôi học sớm và học chương trình Pháp như cậu !
***
          Trường Trí Tri nằm ngay góc ngã tư con hẽm lớn với đường Bàn Cờ, gọi là trường nhưng thật ra đó chỉ là căn nhà lớn có lầu bằng gỗ  chắc chắn, tầng dưới có ba dãy bàn, một dãy dành cho lớp vỡ lòng, một dãy lớp năm và một dãy lớp tư. Học sinh thời đó rất ít cho nên tầng dưới chỉ có hai cô, một cô dạy vỡ lòng vì lớp nầy phải dạy từ đứa và phải cầm tay tập viết, ...  lớp năm và lớp tư chỉ có một cô phụ trách. Tầng trên cũng có ba lớp : lớp ba, lớp nhì và lớp nhất, cũng có hai cô giáo phụ trách, một cô dạy lớp ba và lớp nhì, một cô dạy lớp nhất....
          Ngày đầu tiên lúc cậu Ba dắt tôi vào xin học lớp tư thì thầy hiệu trưởng cho làm bài tập kiểm tra, thầy bằng lòng cho tôi vào thẳng lớp tư, học được một tuần thì thầy gặp cậu nói sẽ cho tôi lên lớp ba, chứ bắt học cả năm lớp tư rất uổng ! Và giống như vậy, một tuần sau tôi lên lớp nhì....!! Lần nầy có lẻ vừa với sức học của tôi và cũng không thể nào cho một con bé con sáu tuổi học lớp nhất , vì thế tôi học suốt năm cho đến hè...sau đó tôi lại tiếp tục lên lớp nhất tại trường Trí Tri
          Trường  không có sân cho nên giờ ra chơi học sinh được tự do quanh quẩn trong lớp, sau những dãy bàn ghế, hay chung quanh tấm bảng gần bàn cô giáo. Cái sân nhỏ ở mặt tiền trường chỉ dùng để xe của nhân viên và giáo viên. Lớp học rộng nên cũng không đến nỗi tù túng, đèn bật suốt ngày cộng thêm ánh sáng từ hai cửa sổ lớn giúp cho lớp sáng và thoáng. Duy nhất làm cho lớp học sinh động và có niềm vui là cây bông giấy được trồng sát bên tường cạnh cửa sổ quanh năm nở hoa đong đưa theo gió....Giờ ra chơi tôi thường ngồi ngay bàn học tay chống cằm ngắm những chùm bông giấy đỏ rực lung lay không biết chán
           Tôi không bao giờ quên năm học lớp nhất ở đó. Cô giáo lúc ấy khá lớn tuổi, cô thường mặc áo dài màu tối, nếu áo hoa thì cũng là hoa nhỏ mang sắc u buồn. Cô đi dạy đem theo một đứa cháu trai khoảng ba, bốn tuổi, đứa bé thường ngồi vào ghế cô giáo, có khi nó nằm bò trên bàn, cô còn mang theo quà bánh vào lớp bán cho học trò. Mỗi khi tôi làm bài xong nộp cho cô,  cô bận hay nhờ tôi bán hàng, thối tiền có lúc lại phụ cô chấm bài các bạn lớp thấp hơn !!...Tôi được làm "cô giáo nhỏ" từ thuở đó, giống như tôi làm "cô giáo" phụ với ba mẹ trong lớp học bình dân, không hiểu sao tôi cũng chưa bao giờ kể cho ba mẹ nghe việc nầy !
          Học gần hai năm ở trường Trí Tri tôi không có bạn thân có lẻ lúc đó vì đi học sớm, tính tôi không chạy giỡn nô đùa như các bạn nhưng tôi thường được cô giáo nhờ phụ giúp dò bài cho các bạn lớp nhỏ cho nên tôi  không cảm thấy lẻ loi, vì thế khi rời trường Trí Tri tôi không buồn mà cũng không nhớ, chỉ háo hức mong qua học trường mới
***
          Đối diện nhà tôi ở lúc bấy giờ là nhà ông Ba Ưu, ông làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Công lập Trương Minh Giảng, trường tọa lạc trên con đường cùng tên, ông hay sang nhà tôi chơi. Ông thấy những khi rảnh rổi tôi thường đọc báo, xem truyện thiếu nhi của mẹ mua cho, tôi đọc rất nhanh, nhất là ba tháng hè ba mẹ tìm không kịp sách cho tôi đọc. Ông Ba mang cho tôi thật nhiều sách truyện thiếu nhi của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Cái ấm đất, Dế mèn phiêu lưu ký, sự tích trầu cau,Thạch Sanh Lý Thông.... Có cả tiểu thuyết như Hồn Bướm mơ tiên,  Gánh hàng hoa, Gió đầu mùa, các tập thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, bộ sách các Nhà Văn Hiện Đại....Ông nói đây là sách của nhà trường dùng để phát thưởng hàng tháng cho học sinh học từ hạng nhất đến hạng năm
          Hè năm đó tôi say mê đọc và hay suy nghĩ về ngôi trường tiểu học của ông Ba, tôi mơ ước được học ở đó, được thưởng sách hàng tháng khi đứng thứ hạng cao...nhưng tôi biết mình không thể vào học nửa chừng với số tuổi nhỏ hơn số tuổi quy định
          Trời cũng chìu lòng người, khi tôi lên lớp nhất được một tháng thì ông Ba cho hay ông sắp về hưu. Ông khuyên ba mẹ hãy cho tôi vào trường của ông đang phụ trách, nhưng vì tuổi quá nhỏ tôi phải học trở lại lớp nhì, như vậy vẫn còn nhỏ hơn số tuổi quy định, ông hứa sẽ xin giảm tuổi cho tôi và dắt tôi vào lớp nhì dù đã bắt đầu năm học ! Nghe lời ông Ba phân giải nhất là ông nói khi học đủ điểm tôi sẽ được miễn thi Tiểu học, ba mẹ vui vẻ và bằng lòng cho tôi vào học trường Trương Minh Giảng...
.          Lần đầu tiên tôi không ngủ được, tôi luôn suy nghĩ về ngôi trường vừa xa lạ vừa thân quen nhờ những cuốn sách truyện hấp dẫn kia, nhưng cũng lo vì mẹ bắt buộc lúc nào cũng phải  xếp hạng trong năm người đứng đầu của lớp. .Mẹ nói vì tôi học lại hai lần, cứ tuột một hạng mẹ sẽ phạt năm roi... ! Ngược lại hạng cao mẹ sẽ thưởng quà. Với lứa tuổi non nớt tôi vừa vui mà cũng rất lo lắng !
***
          Ngôi trường mới quá xa đối với nhà tôi, cậu đi học, ba đi làm, mẹ lại có em nhỏ. Ba mẹ quyết định cho tôi đi cyclo tháng của chú Hai gần nhà, Chú Hai là người Tàu to con vui tính lại cẩn thận, chú vui vẻ nhận đưa rước tôi hàng ngày và chú luôn giữ đúng giờ nên ba mẹ rất yên lòng
          Ngày đầu tiên tôi đi học ở trường mới có ông Ba đi chung, hai ông cháu ngồi trên xe chú Hai. Ông Ba dặn dò đủ chuyện và rất vui vẻ cho tôi an tâm, tôi theo ông vào phòng Hiệu trưởng chờ cho các lớp vô học xong ông mới dắt tôi vào giới thiệu với cô và các bạn. Ông thật oai với bộ đồ vest bốn túi, ống pip cầm trên tay, tiếng ông to và rõ, ông dõng dạc nói chuyện nghiêm trang nhưng vui vẻ làm tôi hãnh diện vô cùng khi được ông dắt đứng kế bên nói với các bạn :" Đây là "cháu gái" của "ông đốc", cháu "nhỏ" và hiền lắm các trò đừng ăn hiếp cháu ông nha..." Bao nhiêu cặp mắt đều nhìn về phía tôi vừa tò mò vừa có vẻ e dè nhưng các bạn đồng loạt dạ thật to
          Tôi đã thật sự bước vào cánh cửa thần tiên trong ngôi trường Tiểu học Trương Minh Giảng, nơi mà tôi từng mơ ước.! Trường có hai dãy dài, khang trang, sân trước và sân sau thoáng rộng, học sinh  đông nhưng nề nếp và ngoan ngoãn, các cô giáo ai cũng mặc áo dài thật đẹp đủ màu sắc trang nhã. Chung quanh trường là những cây gòn cao xanh ngắt xen lẫn với những bụi bông bụp hoa đỏ thắm. Cuối sân có trồng một cây hoa phượng đỏ giờ vẫn còn đầy hoa rực rỡ, tôi rất vui và hài lòng, tự hứa sẽ cố gắng học để được cô giáo thưởng sách...
        Nhưng điều mà tôi yêu thích nhất là tiếng trống trường ! Cái trống to treo ở cuối sân có âm thanh rất lớn, tiếng trống ấm, vang xa thúc giục học sinh nhanh chóng tụ họp về lớp ...Chú Tám lao công là người phụ trách đánh trống nầy. Lúc ông Ba còn làm Hiệu trưởng vào những ngày thứ hai đầu tuần làm lễ chào cờ thì đích thân ông đánh trống khiến không khí càng thêm trang nghiêm, không hiểu sao những lúc đó các bạn thường quay ra nhìn tôi ?!
***
      Trường Trương minh Giảng là trường tiểu học công lập, dạy từ lớp năm cho tới lớp nhất, mỗi cấp lớp có hai lớp A và B, lúc tôi vào học lớp nhì thì học buổi chiều, sỉ số của lớp rất cao trên 60 học sinh, nhưng tất cả chúng tôi đều rất ngoan ngoản, không ồn ào hay phá phách...
           Cô giáo mới của tôi là người Huế, cô cũng họ Thái giống như họ của mẹ. Tánh cô nhu hoà nhỏ nhẹ nhưng nghiêm trang, lúc nào cô cũng mặc áo dài lụa màu thanh nhã, tóc cô búi cao cài trâm, trông vừa sang vừa gần gũi...Ông Ba nói chồng cô là sĩ quan ít ở nhà, ngày ngày cô cũng đi xe cyclo  đến trường. Nhà cô ở cư xá Yên Đỗ cho nên mỗi khi chú Hai chở tôi đến trường hơi trễ vừa chạy đến cổng cư xá thì thấy xe cyclo của cô cũng vừa quẹo ra...
          Chỉ trong môt thời gian ngắn không đầy nửa tháng mà hai ông đạp cyclo đã quen nhau! Tôi ngại nhất là lúc chú Hai đón trễ vì hay gặp xe của cô. Thường thì tôi nói với chú Hai hoặc là chạy nhanh lên để tôi đến trường trước cô, hai là chậm lại sau xe cô, nhưng chú gạt ngang vì thích vừa đạp xe đi song song vừa trò chuyện vui vẻ...Những lúc đó tôi  có cảm giác như mình trịch thượng, một con bé học sinh nhỏ tí mới tám tuổi ngồi trên xe chạy ngang hàng với xe của cô, cho nên thỉnh thoảng tôi cứ len lén liếc sang nhìn nhưng cũng cảm thấy yên tâm vì cô luôn mỉm cười nhìn thẳng....
          Sỉ số học sinh trong lớp tuy khá cao nhưng các bạn rất chăm, ngoan. Hàng tuần đều có xếp hạng, cuối tháng có bảng danh dự và phần thưởng sách vỡ kèm theo như lời ông Ba kể. Trưởng lớp của tôi là con gái dù đây là lớp hỗn hợp vừa trai vừa gái...Tôi vào học vài tuần thì mới rõ được tình hình lớp mình và mới hiểu vì sao cô cho Đường làm trưởng lớp. Đường rất thuỳ mị nghiêm chỉnh, học lại giỏi ra dáng cô thiếu nữ hiền thục. Dậu là con trai cũng học giỏi nhưng hay giỡn, nhanh nhẩu và lí lắc phải chịu làm phó .Cả hai là đối thủ bất phân thắng bại thay phiên nhau nhất nhì trong lớp, vì vậy muốn giữ lời hứa với mẹ đối với tôi thật là khó khăn dù tôi rất chăm và cố gắng. Ngoài ra còn có Tạ Tất Quang, Ánh Tuyết, Xuân Nhật.... Chúng tôi thay nhau xếp hàng sau.... đuôi của Dậu và Đường, hoạ hoằn lắm mới vọt lên hạng nhì của tuần, còn hạng nhất thì rất hiếm !
***
         Gần cuối năm lớp nhì cô giáo có bầu bụng khá to, thỉnh thoảng cô đi trễ hoặc nghỉ dạy. Đường và Dậu cùng nhau giữ lớp trật tự và im lặng, nhưng khi chú Tám vô báo tin cho về là cả lớp vui mừng như vỡ chợ, các bạn cùng hô "Ông vua Dậu, hoàng hậu Đường" làm Đường cũng phải bật cười hối chúng tôi ra về để giữ yên tĩnh cho các lớp khác đang học. "Biệt danh" nầy dùng để xưng tụng cho tài học giỏi của Dậu và Đường !!
          Tuy thích trường và bạn mới, nhưng bản tính tôi khá rụt rè, giờ ra chơi chỉ đứng nhìn các bạn vui đùa...Nhưng lý do lớn nhất có lẻ tôi còn nhỏ hơn các bạn ít nhất vài ba tuổi, lại đi xe cyclo đưa đón cho nên khó thân gần, may nhờ sức học kề nhau nên tôi được các bạn lưu tâm đến. Ánh Tuyết là cô bạn rất xinh da trắng, tóc cắt bum bê, cũng be bé đẹp như hình công chúa Bạch Tuyết. Nhà Tuyết ở trong đầu hẽm ngang trường. Trong lúc chờ chú Hai, Tuyết hay rủ tôi sang chơi, lúc nào Tuyết cũng dặn chờ Tuyết nhốt mấy con ngỗng rồi mới vào sân, mấy con ngỗng nhà Tuyết rất khôn biết giữ nhà, hễ có người lạ vào sân là chúng đuổi theo mỗ !....Căn nhà của Tuyết thật nên thơ với hàng rào cây sơn màu trắng, trong sân có trồng hai cây chùm ruột và mận thật sai trái...Gần đến giờ tan trường thì Tuyết lại đưa tôi qua đường đứng trước cổng trường chờ chú Hai.
          Dần dần chúng tôi càng gần nhau hơn, tôi không còn cảm thấy cách biệt với các bạn, tuy vậy giờ ra chơi tôi vẫn đứng ở góc sân nhìn các bạn nô đùa với nhau. Quang trong lớp không nghịch ngợm, nhưng giờ chơi thì thật là tếu, hết đá cầu rồi đuổi bắt rồng rắn....Quang thường quay lại nhìn tôi và ngoắt tay kêu "Nhỏ ơi, ra đây chơi ..." Quang chưa bao giờ gọi tên tôi !
***
          Cô giáo lại nghỉ, tin báo vào đầu giờ, chú Tám cho về và dặn Đường, Dậu giữ trật tự cho lớp, bỗng dưng Quang đề nghị tụi mình qua chùa chơi đi...!Tất cả các bạn đều hưởng ứng, riêng tôi ngại ngùng đứng làm thinh vì không biết chùa ở đâu, gần hay xa ? Chưa gì các bạn đã chạy túa ra cổng và quẹo vào con hẽm lớn bên cạnh trường. Đường, Dậu, Quang và một số ít bạn lại đi vòng ra sân sau của trường có cửa thông qua hẽm....Quay lại không thấy tôi đi theo Quang kêu "Nhỏ ơi, qua chùa đi, chùa đẹp lắm mà mấy sư cô hay cho quà vì chùa có trồng cây trái ..." Quang vừa đi vừa quay lại chờ, còn hơn ba tiếng nữa chú Hai mới đón cho nên tôi đi theo...
          Bây giờ tôi mới khám phá ra con hẽm rộng dẫn vào chùa thật đẹp, yên tĩnh và nên thơ ! Ngoài những cây gòn cao đầy trái ra , nhà nào cũng trồng hoa ven hàng rào, không bông bụp thì cũng hoa giấy, hoa cúc, có nhà trồng cả ớt và khổ qua....Chuồn chuồn và bướm bay từng đàn, đẹp nhất là bướm trắng, vàng hay quấn quýt nhau tìm hoa hút nhuỵ, chúng thường sà vào những chùm bông trang đỏ....! Tôi thích thú nhìn ngắm khiến Quang vừa đi vừa quay lại nhắc chừng...
          Sau một lúc theo chân Quang và các bạn đi loanh quanh trong chùa, Quang dắt tôi ra sân sau chỉ ngọn đồi cao có trồng chuối, mận và rau.... Thật là ngạc nhiên vì không ngờ ở ngay thành phố lại có đồi đất cao  như vậy trông rất thôn dã! Các sư cô rất quý học sinh đem chuối và trái cây ra cho... Nhưng từ lúc bước chân vào chùa, hình ảnh làm cho tôi chú ý nhất là cái chuông cổ được đặt bên tay trái sát gần cửa chánh điện, trước chuông là một người đàn bà mặc áo dài the đen lớn tuổi đang ngồi lần tràng hạt, đọc kinh rì rầm...Thỉnh thoàng bà lại dộng chuông nhè nhẹ, tiếng chuông trầm ấm ngân nga vừa phải làm xao động tâm hồn nhỏ bé của tôi và như một phản xạ tự nhiên, tôi đến chắp hai tay, ngồi xếp bằng sau lưng bà cụ lắng nghe tiếng đọc kinh nho nhỏ, nhìn bà lần chuỗi hạt và đánh chuông...!
          Bà cụ cảm nhận có người ngồi phía sau mình nên quay lại, tôi rất ngại ngùng vì sợ mình làm xao lãng thời kinh của bà, nhưng bà vui vẻ từ tốn nói bà nghỉ ngơi một chút rồi đọc tiếp, bà vô chùa công quả và thường xuyên đọc kinh trước chuông nầy từ lâu. Sau khi thăm hỏi bà dạy tôi niệm Phật trước khi đi ngủ và trong những lúc rảnh rỗi, câu tôi nhớ nhất và tâm nguyện nhất mà bà dạy tôi trong lúc ấy là "Xin cho con trí tuệ sáng suốt, học đâu nhớ đó, thi đâu đậu đó, luôn gặp điều lành, lánh xa điều dữ...." Lời nguyện cầu nầy tôi nhớ mãi và đọc hàng ngày....
***
          Chúng tôi cùng nhau quay về trường cũng theo con đường đã đi, các bạn vừa đi vừa giỡn nhìn chúng tôi lại hô to, vỗ tay từng chập "Ông vua Dậu, hoàng hậu Đường" thật vần điệu... Không hiểu sao cả đám dừng lại nói với nhau gì đó rồi lại hô tiếp " Hoàng tử Quang, công chúa Mai..." Thật là bất ngờ, Đường cười và nói các bạn trêu theo "thứ hạng trong lớp". Quang cũng như tôi thay nhau xếp hạng sau Đường và Dậu, tất cả các bạn đều vui cười rất hồn nhiên mà không chút ganh tị ....!!Lúc đó tôi biết mình đã thật sự được hoà nhập với "gia đình" của các bạn
           Trở lại sân trường vẫn chưa đến giờ tan học, Quang chạy vội ra xe kem rồi quay lại với bốn que kem trên tay, khi đưa cho tôi Quang dặn phải ăn nhanh kẽo nó chảy rồi chạy đi tìm Đường và Dậu, đang lúc vui các bạn nhìn thấy Quang cầm nhiều que kem lại vỗ tay la lên "Tạ Hầu Đôn, Tạ Hầu Đôn" Tên vị tướng ăn rất nhiều và cũng vì Quang họ Tạ !!....Một mình Quang có hai "chức danh"! Từ đó cho đến hè  năm lớp nhì trong những buổi nghỉ học tôi thường theo các bạn qua chùa, lần nào tôi cũng chắp tay ngồi sau lưng bà cụ mặc áo dài the, lắng nghe tiếng đọc kinh của bà xen lẫn tiếng chuông với thanh âm thanh thoát ngân nga cùng mùi hương của nhang trầm tạo cho tôi sự thành kính thân gần
          Bây giờ chúng tôi thân nhau hơn, buổi chiều khi chú Hai chở tôi về  chạy ngang qua cầu Trương minh Giảng, những lúc đó Quang chạy xe đạp song song, khi thấy tôi Quang thường giơ tay vẫy vẫy, Quang có nước da ngăm đen, tóc hơi hoe hoe nâu nhưng nét mặt luôn vui tươi, khi cười trông rất có duyên. Quang là người bạn trai dễ gần gủi và không hề e dè khi thấy ông Ba giới thiệu tôi là cháu... Câu đầu tiên Quang làm quen là "Nhỏ ơi, Nhỏ là cháu ông đốc hả?"  Quang luôn thân thiết với tôi, không bao giờ Quang để tôi lẻ loi một mình, lúc nào cũng vẫy tay gọi tôi dù đang tham gia trò chơi với các bạn
          Cuối năm lớp nhì buổi chiều ngày chia tay nghỉ hè, khi chú Hai đạp xe đổ xuống dốc cầu quẹo sang đường Kỳ Đồng lúc đi ngang nhà thờ Chúa Cứu Thế thì Quang cũng chạy xe đạp song song, đến con hẽm lớn trước khi rẻ vào, Quang quay lại đưa tay ngoắt tôi và gọi "Nhỏ ơi, nhà Quang trong hẽm nầy nè" rồi gò lưng chạy nhanh thỉnh thoảng quay lại cười !! Hình ảnh cuối cùng mà tôi luôn ghi nhớ là cái áo sơ mi trắng của Quang căng trong gió, mái tóc phất phơ hoe hoe màu nắng, Quang chạy một tay, một tay đưa cao vẫy vẫy....
          Sang năm lớp nhất chúng tôi học buổi sáng, chú Hai chân đau nên không chở tôi được và tôi đi xe taxi tháng với Dượng Tư, Dượng là chồng của chị Tư nấu bếp...Cô giáo sinh em bé trong hè, vì cô dạy giỏi cho nên chúng tôi lại tiếp tục học với cô, tôi rất mừng vì tôi thương quý cô. Cô là thần tượng thứ hai trong đời sau mẹ đã khiến tôi ngưỡng mộ và ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách của tôi sau nầy, cô dịu dàng và chưa bao giờ to tiếng với học sinh !!....Vì là năm thi và học buổi sáng cho nên chúng tôi ít có dịp trò chuyện hay qua chùa chơi, mãi cho đến sau nầy tôi cũng chưa biết chùa tên là gì chỉ nhớ chùa nằm sâu ở cuối con hẽm lớn....!
 ***
         Ông Ba hướng dẫn ba tôi làm đơn xin miễn tuổi cho tôi được thi thử vào Gia Long cho quen không khí trường thi, tôi không còn gặp lại các bạn nữa và hình ảnh ngôi chùa chỉ tồn tại trong ký ức....Ba mẹ chính thức chia tay nhau, nhà tôi cũng dọn đi nơi khác! Tôi học lớp đệ thất trường Kiến Thiết gần nhà mới, nhưng chỉ được nửa năm ba lại đổi ý buổi chiều cho tôi học thêm Toán để luyện thi vào Gia Long cũng ngay tại trường Kiến Thiết...
           Tôi đậu vào Gia Long nhưng khi đi học cũng không gặp lại một người bạn nào ở trường Trương Minh Giảng, mãi cho đến năm đệ tam tôi mới gặp lại Đường trong sân trường Gia Long, lúc đó Đường vào học Đệ tam sau khi  đậu bằng Trung học đệ nhất cấp ở trường ngoài. Thấy Đường ngại ngùng cho nên tôi không thăm hỏi về bạn cũ. Từ đó chưa bao giờ tôi gặp lại bạn bè nào khác trong "vương quốc" dễ thương của mình nữa, nơi mà tuổi thơ thần tiên có vua, hoàng hậu, hoàng tử và trong đó tôi được làm công chúa.....Tôi luôn nhớ ngôi chùa với hình ảnh người thầy khai sáng cho tôi biết niệm Phật và  âm thanh tiếng chuông chiều năm xưa!!
         Tuy trường không xa nhưng tôi ít đi lại con đường cũ,  ký ức thì không sao phai nhoà.... Ba và mẹ cũng lần lượt qua đời, lời khấn nguyện hằng đêm tôi không quên nhưng có điều lời khấn thay đổi theo tuổi tác, thời gian và những dâu bể của cuộc đời ! Tôi vẫn thờ phụng bức tượng Quán Thế Âm và tượng Di Lạc của mẹ ngày xưa....Trong lòng không nguôi quên lời sư thầy Nhật Tâm ở chùa Pháp Huệ có lần nói với tôi khi tôi thỉnh tượng Đức Thích Ca lên chùa nhờ Thầy khai quan điểm nhãn. Lúc đưa tôi ra cửa Thầy nói "Tượng đẹp quá con, nét lại sáng và trẻ..." Thầy nói tiếp "Mọi người ai cũng nói phụ nữ thì Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là mẹ đỡ đầu và hộ trì, nhưng đối với con lại khác, Đức Từ Phụ của con là Đức Thích Ca đó con !"...Lời Thầy nói thật nhẹ nhàng và giản dị nhưng bỗng dưng tôi thấy lòng tràn đầy cảm xúc
      Tết Nguyên Đán 2008, sau khi trải qua ca phẫu thuật thành công, tôi lại nhớ về ngôi trường xưa....Bây giờ gia đình đơn chiếc không còn bà con đông như trước cho nên tôi và cháu thường đi thập tự trong ba ngày đầu năm. Có một điều gì gợi nhớ và thôi thúc trong tâm, tôi nói với cháu năm nay mình về trường cũ, ghé ngôi chùa mà thuở bé thơ thường theo bạn qua chơi, xem tên chùa là gì và nhìn lại cái chuông cổ ngày xưa....
          Thật là bất ngờ ! Điều đầu tiên tôi nhìn thấy  ngay đầu con hẽm lớn vô chùa là tấm bảng thật to với cái tên " Chùa Thích Ca" !!Không kịp nhìn thấy ngôi trường cũ thay đổi ra sao, tôi vội vã nói với cháu hãy đi thẳng vô chùa mong tìm lại những hình ảnh thân quen ngày nào....
***
           Tôi bước qua cổng tam quan với tâm trạng bồi hồi và xúc động! Cái chuông cổ vẫn còn đặt ngay chỗ cũ, chỉ tiếc là không còn hình ảnh bà cụ mặc áo dài the đen. Phía sau chùa vẫn còn ngọn đồi cao, bây giờ các sư cô đã cất lên một dãy nhà nhỏ. Chùa sạch sẽ khang trang và không còn trồng cây trái như trước. Cảnh vật vẫn còn đây nhưng người năm xưa thì hẳn đã về chốn khác ?
          Con hẽm lớn giờ trở thành con đường nội bộ, nhà cửa văn minh, hai bên đường không còn cây gòn và hàng rào trồng hoa... Tôi đã được nhìn ngắm lại trường xưa và ngôi chùa cũ, tuy không còn bạn bè thân quen nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp nhờ cái tên "Thích Ca" của ngôi chùa.Và bây giờ tôi mới hiểu lời Sư thầy Nhật Tâm nói đúng, tên chùa là tên Đấng từ phụ của tôi, người đã khai tâm cho tôi qua hình ảnh nhân từ hiền hậu của bà cụ mặc áo dài the đen ngồi trước chuông đọc kinh niệm Phật
           Người ta thường nói chuyện cổ tích thì không bao giờ có thật giữa đời thường, nhưng tôi đã được trải qua một tuổi thơ ngọt ngào, thần tiên đầy hạnh phúc như thế đó....Và đây chính là cổ tích ngày xưa của tôi, tôi đã có dủ tất cả những gì thật thơ mộng, không chỉ là vương quốc, vua quan mà chuyện cổ tích của tôi còn có những bà tiên dịu hiền đôn hậu. Chỉ tiếc rằng thời gian quá ngắn ngủi không trọn vẹn được hai năm học, nhưng đó là những hoài niệm đẹp nhất trong cuộc đời mà tôi không thể nào quên !! 
NamMai Phan thị Ngọc Diệp
(Thời thơ ấu)
Kết quả hình ảnh cho thời thơ ấu