Thời thơ ấu

Sơn Lào

Mong ước kỷ niệm xưa 

Ngày Đó Chúng Mình

 Thương nhớ !...

Thương nhớ làm sao tuổi thơ tôi
Giờ đây kỹ niệm cũng xa rồi,

Thơ ngây ngày cũ đâu còn nữa 
Chỉ chút tình riêng thơ ấu thôi !!

NM

Sơn "Lào"...

         Từ lâu tôi thường thắc mắc không biết tại sao Sơn lại có biệt danh "Sơn Lào" như vậy, cái tên này theo suốt cuộc đời Sơn từ lúc 10 tuổi cho đến tận bây giờ....!! Cho dù Sơn đã có cháu nội , cháu ngoại đầy đủ nhưng mỗi lần gặp lại hay nhắc tới Sơn là chị em tôi và Vân cô bạn hàng xóm luôn kèm theo cái nickname "Lào" sau cái tên Lý Hồng Sơn khá đẹp đẽ kia.... Nhưng thường là " Sơn Lào" cho nó gọn....
Thắc mắc mãi sau nầy em gái tôi mới "bật mí" cho biết là chính đám em tôi thấy Sơn vừa nhỏ con, vừa lí lắc lại vừa hay diễu, tập làm người lớn từ thuở lên mười bằng cách lúc nào cũng vấn điếu thuốc lào cài phía trên tai , ở trần mặc quần xà lỏn đi chơi khắp xóm , thuốc hút này là do Sơn lén lấy của ba Sơn (ba Sơn hút thuốc vấn) ! Tôi thì ban đầu gọi Sơn là "Sơn lé" vì cặp mắt hơi mài mại "đánh nhau" của Sơn, nhưng về sau tôi phát giác ra Sơn giống mẹ từ khuôn mặt vuông vuông bành bạnh , cho đến giọng nói, và dĩ nhiên cả đôi mắt đen tròn....hơi lé của bà !! Bà lại.... dữ tiếng to vang vang cả xóm chắc có lẻ do "cai quản" bảy đứa con vừa trai vừa gái cho nên tôi phải "ghìm" lại biệt danh này và bắt chước theo các em gọi "Sơn Lào" cho....thống nhất !
Lúc gia đình tôi dọn về đây thì tôi chưa thi vào Gia Long, ở nhà mới chừng một tuần tôi khám phá ra rằng hai chị em tôi là "hoa lạc giữa rừng gươm" vì chung quanh và kề cận nhà đều toàn là các đấng nam nhi !! Nhỏ nhất cũng hơn tôi 2 tuổi, ngay cả căn nhà trước mặt có một chị lớn hơn 5 tuổi có một anh trai và một em trai ở Bình Dương xuống trọ nhà Cậu Mợ đi học, chỉ có 3 đứa con gái lại nhỏ hơn tôi 4 tuổi trở lên.....  !! Thật là buồn....và lúc nào cũng phải "nghiêm nghị" chỉ ở trong nhà vì mỗi lần " ló" ra cửa đứng nhìn các em chơi lại nghe khi thì "suỵt suỵt", khi thì "Ê,ê nhỏ ơi....." rất chi là bực bội, cũng không dám nhìn xem tên nào dám "Ê ê nhỏ ơi" với mình.....!
Nhà Sơn Lào cùng dãy, cách nhà tôi 3 căn trước sân có cây mận trắng rất sai trái, tàn cây de sát lan can trên lầu, không ai có thể hái trộm cây mận đó vì dưới nhà Sơn có cửa sổ rộng và thấp, nhìn thẳng ra cây mận, ngoài việc đi chợ, bếp núc xong là má Sơn "đóng đô" ngồi nhai trầu ....canh cây mận! đồng thời canh luôn mấy đứa con đang còn đi học tập trung ở trên lầu....
Ấy vậy mà Sơn vẫn thoát được sự canh chừng chặt chẽ đó, lân la làm quen Một hôm chị em tôi chơi đánh đũa ngoài hàng ba thì Sơn tuột từ cây mận xuống lom khom vừa chạy vừa núp theo hàng rào, tới sân nhà tôi đưa ngón trỏ lên miệng suỵt suỵt ra dấu nói nhỏ rồi chỉ ngược về phía nhà nói
-"Nói nhỏ thôi tui canh bà già vừa xuống bếp là leo cây mận xuống để chạy lại đây hỏi thăm....."ấy"! "
Chưa kịp trả lời vì vừa buồn cười khi nhìn vẻ sợ sệt và đôi mắt...hơi lé của Sơn thì Sơn lại tằng hắng nhỏ hỏi tiếp
-"Ấy" mới dọn về hả ? Ở đâu vậy ? mấy chị em ?"
Rồi tự giới thiệu luôn :
-"Tui tên Sơn, nhà cùng dãy, trước nhà có cây mận..., mấy hôm nay thấy nhà "ấy" mới dọn về định chạy đến chơi, nhưng bà già ngồi divan hoài tuột xuống bả thấy là ăn đòn bữa nay "hên" lắm đó..."
Chỉ nói được bao nhiêu và tôi cũng chưa kịp trả lời do vừa tức cười vừa bất ngờ thì vang vang từ nhà Sơn tiếng kiểm tra của má Sơn, thế là Sơn giật mình vừa ló đầu nhìn đám em tôi vừa nói : 
-" Em "ấy" đây hả, bữa nào rảnh tui chạỵ tới chơi tạt lon, vít hình với tụi nó....Hái mận cho "ấy" nữa, nhưng chua lắm không được ngọt "Ấy" tên gì ?." 
Rồi lom khom núp chạy về thót lên cây mận trèo vô nhà....Những lần sau đó Sơn lân la tới chơi thường với các em trai tôi, tuy tụi nó nhỏ hơn nhưng cũng thành bạn với Sơn, tôi cũng vui vì thấy các em mình có người chơi, tuy còn nhỏ nhưng thấy Sơn "lấc cấc" chơi với con nít, mình lại là "chị hai", tôi cũng ít nói chuyện với Sơn chỉ đứng nhìn các em chơi và "rình" coi có ăn gian tụi nó hay không, lúc nầy ông Tám là ba của Sơn với ba tôi đã giao thiệp với nhau , cho nên Sơn tới nhà chơi thoải mái, nhờ Sơn giới thiệu, tôi mới biết Vân ở ngang nhà Sơn , nhỏ hơn tôi một tuổi và lớn hơn em gái kế tôi một tuổi, sau này chúng tôi thân nhau như ba chị em, có Vân chị em tôi cũng bớt "trơ trọi" giữa "rừng gươm"        
Bản chất là chị hai lại vắng mẹ , cho nên tôi tự nghĩ phải "làm gương"cho các em, ai bằng tuổi gọi tên, xưng tên hoặc "tui", lớn thì gọi anh chị..... Biết Sơn bằng tuổi cho nên tôi gọi tên xưng "tui", còn Sơn cứ lí la lí lắc bắt chước em gái tôi và Vân cứ " bà Mai "...nhưng dưới mắt tôi, cung cách và bộ dạng của Sơn như con nít cho nên tôi cứ nghĩ mình người lớn hơn Sơn....Em gái tôi và Vân không kiêng dè gì cứ mày tao chi tớ dù Sơn lịch sự thường gọi tên tụi nó kèm theo chữ "bà", mãi cho tới bây giờ nhắc tới Sơn lúc nào tụi nó cũng bắt đầu bằng 3 chữ " Cái thằng đó...."Tội nghiệp Sơn cũng chỉ cười hề hề ....rồi thôi vì biết không thể nào chống lại hay thay đổi được "hai bà la sát, hai bà chằn"..đó là "biệt danh" ám chỉ em gái tôi và Vân...          
Dần dần nhờ Sơn cho biết, chị em tôi có thêm bạn đồng trang lứa cũng cùng dãy và cách nhà tôi 1 căn, nhà Sơn 1 căn, Ti là con trai bằng tuổi em gái tôi có cô em cũng cùng tên với tôi, đây là gia đình di cư từ Bắc vào hiền hoà lại sợ "đụng chạm" mích lòng hàng xóm cho nên rất ít giao thiệp với ai, thế nhưng ba mẹ Ti lại có cảm tình với gia đình tôi nên ba Ti làm thân với ba tôi và 2 người khá thân nhau, Ba Ti thường rủ ba tôi đi chung mỗi khi trong xóm có mời đám cưới hay đám ma . Bây giờ buổi tối Sơn không còn tuột từ cây mận xuống mà Sơn leo bám lan can trèo qua nhà Ti suỵt suỵt gọi chị em tôi ra nói chuyện chơi trong thời gian "giải lao", vì tất cả bọn tôi đều ở trên lầu học bài và ngủ cũng ở đó....
          
 Khi tôi thi đậu vào Gia Long thì Sơn đậu vào Nguyễn Trường Tộ, lúc đó trường nầy mới thành lập sau Cao Thắng cho nên việc thi tuyển dễ dàng hơn Nhìn bộ điệu Sơn hí hửng khoe khoang đi tới đi lui khi mặc thử bộ đồ kaki xanh đồng phục ai cũng tức cười, Vân nghe ngóng được tin tức ở đâu rỉ tai cho tôi biết

- "Thằng đó học dốt, làm biếng ham chơi dễ gì nó đậu, nghe đâu ba nó khoe anh nó làm xưởng Ba Son quen biết gởi gấm cho nó cho nên "chó ngáp phải ruồi" !! 
 Tôi  bật cười khi nghe Vân nói, nhưng ngẫm lại cũng có lý, và tức cười vì nhớ lý do thù dai của Vân với Sơn Lào.....Ấm ức vì cứ bị nạt nộ và áp đảo của hai "bà chằn", cho nên có một hôm tôi đứng chờ Vân cùng đi chợ, Sơn rề qua nói nhỏ với tôi : 
-" Bà Mai , tui tức con nhỏ nầy lắm, hôm nay bà chứng kiến tôi "trị" cho nó chừa, bà làm thinh nha "  
Tôi còn đang ngơ ngác chưa đoán ra thì Vân xách giỏ trong nhà di ra, Sơn lén lấy một cành cây khô nhỏ xù xì nhân lúc Vân lo nói , Sơn thảy nhẹ vào người Vân..... Đang vui vẻ cười nói tự nhiên Vân giựt mình nhảy tưng tưng vừa la vừa muốn khóc hỏi Sơn cái gì vậy, Sơn giả bộ nhìn sau lưng Vân và nói
- " Có con thằn lằn đang bám vào ống quần của bà"
 Thế là Vân càng sợ hơn phát khóc kêu Sơn phủi dùm
 Sơn nói 
 -" Không được nó bám chặt , bà nhảy mà nó còn không rớt xuống , chỉ có nước  bà tuột quần giũ nó mới rớt"
 Vừa nói Sơn vừa nháy mắt với tôi...., bẩm sinh tôi cũng sợ thằn lằn cho nên cũng không dám phủi và cũng tưởng là con thằn lằn thiệt, sợ quá chỉ biết nhìn Vân mà cười vì thái độ sợ sệt của Vân, nhưng thật là may, tôi còn bình tĩnh nói với Vân chạy nhanh vô phòng tắm mà giũ vì tôi thấy lúc đó do sợ quá Vân có thể sexy 50% để rũ bỏ con vật "ghê gớm" kia.....!! khi Sau khi phát hiện ra đó chỉ là một cành cây khô, Vân liền quăng giỏ rượt đánh Sơn, nhưng Sơn nhanh nhẩu thót lên cây mận vào nhà. Mỗi lần nhắc chuyện này Sơn cứ "cằn nhằn" tôi nhắc Vân làm chi.....
Tuy Sơn hãnh diện đậu vào trường công lập rồi sữa tướng đi cho ra vẻ người lớn, nhưng hè năm đó và Tết Sơn vẫn còn chơi tạt hình, tạt lon, đánh bài cào ăn hình với các em trai của tôi, thấy tụi nó còn nhỏ nên hay "ăn gian" lận bài dấu trong lưng quần, thua thì hốt chạy giả vờ nói "bà già" kêu , có lần thua , "sên non" ôm hết hình chạy về nhà, em trai út tôi khóc mếu máo chạy vô nhà mét , Tâm kể Sơn còn "thách cho mày mét chị mày tao không sợ...."Thương em , tôi chạy ra nhìn thấy Sơn cười hỉ hả dòm mấy em tôi.....Nhìn điệu bộ Sơn tức quá tôi chạy vội vô nhà rút cây chổi lông gà giấu sau lưng xăm xăm đến nhà Sơn, Sơn vẫn không đề phòng hất mặt cười cười, tới lúc thấy tôi cầm cây chổi nhào tới quất vô chân, sợ quá Sơn chạy tuốt vô nhà .....Lúc đó má Sơn ra hỏi
-"Chuyện gì vậy , "gà mái đá gà cồ" hả ?"
Sau khi biết chuyện bà la Sơn một trận còn tôi tức cười thầm nghĩ "gà trống tre thì có"..... Ấy vậy mà Sơn cũng không giận vài hôm sau lại qua chơi còn nói "Tui giỡn với tụi nó mà không ngờ bà dữ thiệt, may mà tui chạy kịp, nhưng cũng bị bà quất hai roi !"
 Năm lên đệ ngũ vì lo chuẩn bị cho năm đệ tứ, các em tôi cũng đi học tiểu học không còn chơi như trước, Sơn càng ra vẻ "đạo mạo" hơn, năm đó lớp tôi học nằm dãy sân thể thao, đường.........,buổi chiều tôi "quá giang" theo xe ba đi làm, cho nên đến trường hơi  sớm, tôi thường ngồi dựa bờ vách tường coi bài chờ bạn và cũng là chờ mở cổng, ngày đó học sinh đến trường đa số bằng xe đưa rước hay xe đạp, ít ai đi xe gắn máy, Sơn được anh Ba cho chiếc Cady nhỏ, chiều nào tôi cũng thấy Sơn chạy vòng vòng chung quanh trường....,.phía sau lưng Sơn trên cái yên nhỏ là một cái cặp to thật to không biết chứa cái gì bên trong, đã vậy còn ló ra cây thước bảng dài cũng thật dài.!... điều nầy tôi chỉ thấy ở Sơn , cho dù người ta học lớp cao cách mấy cũng chẳng ai "trang bị" như vậy , Vân hỏi đùa Sơn đi học hay đi dạy ?Mỗi lần Sơn chạy ngang qua tôi vì tò mò nhìn, lại thấy Sơn cười cười ngã đầu chào, vì Sơn hơi lé cho nên tôi không biết Sơn nhìn ai  cũng cười cười cho ...lịch sự !! Cứ như vậy, Sơn chạy chung quanh hoài, mỗi lần thấy tôi ngước lên là lại chào !! Thật ...mõi cổ , vì vậy tôi quan sát chung quanh các bạn ngồi gần xem ai thật sự là người Sơn chào, thì thấy mọi người thản nhiên không ai để ý, tôi nghĩ thầm "cái thằng quỷ" nầy mới bây lớn bày đặt "o mèo" ", rồi cũng quên đi, cũng không kể cho hai đứa kia nghe vì tôi vốn ít nói

Năm tháng qua, chúng tôi đều lớn lên, gia đình Ti dọn đi nơi khác, cây mận cũng không còn vì con nít càng ngày càng nhiều lại phá phách, má Sơn lớn tuổi , việc nhà giao cho con cái, bà cũng không còn sức khoẻ để "hù doạ" tụi nhỏ sau cơn bệnh nặng , gia đình Sơn chặt bỏ cây mận,....và tuy Sơn có hứa từ cái thuở ban đầu lò mò đến làm thân là hái mận cho tôi,  tôi cũng chưa bao giờ được nếm vị chua hay ngọt của cây mận ấy, có điều sau này, sau những buổi tối mệt mõi học bài chuẩn bị cho các kỳ thi, Sơn cứ suỵt suỵt hoặc húyt gió là Vân chạy ra nháy nhó chỉ qua nhà tôi , Vân biết ý thay quần áo qua rủ cười toe toét 
-"Thằng Sơn Lào" rủ tụi mình đi ăn kìa.....
Vì làm ra vẻ người lớn , lại nam nhi cho nên Sơn luôn giành trả tiền, tôi không chịu, Vân và em gái tôi ham vui cho nên xúi :
-"Kệ nó cho chết cái thằng "làm le"."
Tôi ngại nói :
-"Hai đứa bây đi ta ở nhà xem truyện lười lắm
Vân và em tôi nhất định kéo tôi ngồi dậy, Vân nài nỉ :
-"Nó biểu phải có bà mới vui.....bà đi cho tụi tui "ké" !..".
Sau nầy tôi đoán trong nhà tuy là con giữa nhưng chỉ có mình Sơn học trường công lập lại làm ra vẻ cho nên anh chị thương cho tiền, vào thời đó cái gì cũng rẻ nên cũng không đến nỗi "bóc lột" Sơn....  
Tuổi trẻ qua mau, cuộc đời thay đổi mỗi đứa mỗi ngã, tôi vào Sư Phạm ra trường về Bạc Liêu, Vân và em gái tôi lên đại học vừa đi học vừa nấu cơm cho gia đình, Sơn vào Không quân ngành Kỹ thuật do không đủ chiều cao, mà lỗi nhiều nhất có lẻ vì cặp mắt hơi lé dù Sơn rất thích "bay", đơn vị của Sơn ở tận Huế xa xôi, hiếm khi mới gp nhau, chúng tôi chỉ có cơ hội  "họp mặt" dịp hè, mỗi lần như vậy lại rủ nhau đi ăn tối, tôi và Sơn thay nhau "bao" hai bà chằn....Sơn vẫn gọi hai đứa nó như vậy, còn Vân và em gái tôi cũng cứ mày mày, tao tao......, riêng tôi không biết tại sao cho dù đã trưởng thành, nhưng mỗi khi nói chuyện với Sơn tôi vẫn thấy thấp thoáng chung quanh Sơn một cậu bé 10 tuổi tuột từ trên cây mận xuống chạy tới làm quen...., hay cái thằng nhỏ lí lắc trốn nhà mặc quần xà lỏn tai vắt điếu thuốc để chứng tỏ mình "người lớn"  muốn diễu cho vui.....
           Ba tôi qua đời năm 1996, vì thân tình cả nhà Sơn đều đến viếng, do ba tôi tuy hiền lành nhưng ít nói và đàng hoàng, cho nên Sơn "ngán" ba tôi, thấy từ xa là đã cúi chào bác Năm thật sâu, Vân chọc :" lễ phép dữ bộ tập làm rễ cho quen hả ?".....Sơn cười nói : "Người ta đàng hoàng lễ phép chứ ai như bà với bà Anh, nhỏ hơn mà cứ mày mày tao tao....."nhưng Sơn vẫn không giận, và chúng tôi đều vui....

          Sơn có gia đình ở nơi khác,  ngày cúng 49 ngày của ba tôi Sơn nhớ tới viếng và đốt nhan, các em tôi nay tóc cũng đốm bạc, tụi nó có bạn bè, nhưng vẫn mời Sơn ở lại nhậu cho vui, em gái tôi còn bên đảo, Vân thì  có chồng định cư bên Mỹ....Sau khi hỏi thăm, chén chú chén anh vui vẻ, nhất là không có " hai bà chằn" kề bên như xưa Sơn bộc lộ cho các bạn em tôi về tôi, một nữ sinh Gia Long "ngon lành" nhứt xóm (vì ngày đó trong xóm chỉ có tôi học Gia Long, chị thứ năm kế Sơn nghe đâu thi 4,5 lần đều rớt !!) Và Sơn" tự khai báo" :
         _"Hồi đó chiều nào anh cũng canh bác Năm đưa bả đến trường, anh chạy xe vòng vòng chào bả , tiểu thư yểu điệu lắm đó......"
          Thật là một tin thật bất ngờ và tức cười !! Vì cái tính lí lắc, vì đôi mắt của Sơn....tôi không bao giờ nghĩ người Sơn muốn chào lại là........mình !!.Tôi hỏi gặn Sơn : "Thật không đó ?", vẫn y như xưa Sơn giơ tay thề "Láo chết đi" .....Và tôi lại nhớ hình ảnh thằng con trai nhỏ leo xuống t cây mận chạy đến làm quen ngày xưa.....Mà cũng bùi ngùi cho người bạn nhỏ đầu tiên ngày nào của chị em tôi .Cá tính của chúng tôi vẫn vậy, thân tình còn đó, có chăng những vui vẻ nông nổi của tuổi thơ ngây ngày nào không bao giờ trở lại !!...
          Không biết do men  rượu hay do sự bộc bạch bất ngờ của Sơn, bỗng nhiên cả bàn đều im lặng, nhìn ra cửa ngõ tôi  như thấy lại thằng con trai nhỏ tên Sơn ngày nào đang lấp ló nhìn tôi gọi "Ấy ơi....."........

NM Phan thị Ngọc Diệp

  ***************

Quân "ngày xưa"

 

Ngày Xưa Ơi

Nhung Ngay Tho Mong

Ngày thơ ơi,
Dòng sông nào nhớ thương tìm bến cũ ?
 Thuyền xa bờ luôn nhớ bến đò xưa,
Tuổi thơ ơi, thương biết mấy cho vừa...
Nhánh sông nhỏ, trong xanh và dịu mát !

Cố tìm lại trong sóng xa dào dạt,
Dòng sông ngày thân ái thuở ngây thơ...
Nước trên cao trôi mãi có bao giờ,
Đổ ra biển quay về tìm chốn cũ !?
NM
Quân "ngày xưa"
           Chiếc đồng hồ cổ trong phòng khách đã rè rè đánh lên bảy tiếng từ lâu mà hai chị em tôi vẫn chưa thấy ba tôi dắt xe ra cửa đi làm... Trong phòng khách vẫn còn vọng ra tiếng nói chuyện của ba mẹ và chị Bảy giúp việc, thường vào những ngày thứ hai đầu tuần ba tôi hay đi làm sớm.
           Tôi đã nghỉ hè được một tuần, em gái vẫn chưa đi học, hai chị em bày biện đồ chơi ngoài sân, chỉ có hai chị em với nhau nên chóng chán mặc dù chị em chúng tôi có đầy đủ các món đồ chơi dành cho bé gái như ấm trà, mâm chén dĩa, đũa muỗng, gà mên, bếp lò nhỏ, nồi nấu cơm....tất cả đều bằng nhôm có thể nấu cơm và xào thức ăn như thật !
           Cuối cùng thì ba tôi cũng dắt xe ra, em gái tôi nhanh nhẩu hỏi ba sao đi làm trễ, ba cười vui cho biết sáng nay ba có dặn chị Bảy đi chợ  mua cho hai chị em hai món quà để hai chị em chơi trong mùa hè nầy. Khi xe ba nổ máy đi thì chị Bảy cũng xách giỏ đi chợ, chị vui vẻ cười vẫy tay hẹn sẽ về sớm đem cho chúng tôi món quà mà ba đã hứa !

          Chị Bảy quê ở Trà Kha thuộc tỉnh Bạc Liêu cùng quê với mẹ, bà ngoại tôi hàng tháng ở Bạc Liêu lên thăm mẹ và cậu ba, tháng trước ngoại không lên một mình mà dắt theo chị Bảy, một phụ nữ bà con xa, mặc dù chị sắp xỉ tuổi với mẹ, nhưng theo vai vế, chị phải gọi mẹ bằng cô, vì thế chị em tôi gọi bằng chị, chị tròn trịa da ngâm ngâm, mái tóc chị dài đen nhánh được búi gọn ghẻ sau ót, đa phần dân Bạc Liêu hay mặc áo ngắn tay kiểu như áo xẩm vì Bạc Liêu là nơi nhiều người Triều Châu và người Miên, không biết chị Bảy có lai Tàu không nhưng chị ít khi mặc áo bà ba như bà ngoại, chị nhanh nhẹn và luôn vui cười lại yêu mến trẻ con, vì thế hai chị em tôi rất thương mến chị...Ngoại nói có chị Bảy giúp việc mẹ tôi sẽ an tâm hơn khi ba mẹ chào đón em bé vào cuối năm.
           Hơn  một tiếng sau chị Bảy về đến nhà, thấy bóng chị thoáng qua là hai chị em tôi chạy theo chị vào bếp, chị vui vẻ đưa ra khoe cái túi  bằng giấy ciment dày có khoét những lỗ tròn nhỏ, tôi nghe có tiếng chiêm chiếp và rột rẹt ở trong đó, chị nhanh nhẩu mở toang túi giấy và ơ kìa hai chú vịt con lao nhanh ra...Chị vội vã lấy cái rổ to úp lại và cầm từng con đưa cho hai chị em lựa, em gái tôi giành ngay con vịt toàn thân màu vàng như cuộn len, nó chừa lại cho tôi con vịt có một đốm lông đen trên lưng ! Chị Bảy nói cố tình mua như vậy để dễ phân biệt !
            Chị Bảy đem hai chú vịt con ra sân trước dưới bóng mát của cây vú sữa, chị căn dặn hai chị em nhớ để chúng một lúc trong rổ cho quen chỗ rồi mới được mở ra, em tôi sốt ruột cứ hé cái rỗ để nhìn hai con vịt dễ thương kia, khi chị Bảy vui vẻ mở cái rổ ra, chị nói với em gái tôi đặt con vịt của em sau lưng rồi đi từ từ, con vịt lẻo đẻo chạy theo kêu chíp chíp nho nhỏ làm em vui vô cùng , em bắt đầu chaỵ chầm chậm, con vịt cũng chạy chậm theo sau, em chạy nhanh hơn hai chú vịt cũng chạy lạch bạch theo nhanh, đôi chân ngắn đỏ hồng lạch bạch theo bén gót, có khi không kịp té lăn quay lại vội vã đứng lên chạy theo trông thật tức cười và đáng yêu !
           Mặt trời lên cao nắng tràn vào sân trong, hai chị em cũng mệt vì chơi đùa với hai chú vịt nhỏ, mẹ gọi hai chị em vào thay quần áo, tắm rửa chuẩn bị ăn cơm trưa, buổi sáng hôm nay thật là thú vị, hai chú vịt con lanh lẹ dễ thương cho nên em tôi cứ luyến tiếc mãi ! Nhà tôi hướng tây buổi chiều có nắng chói không được chơi dù trong sân có mái hiên che mát, hai chú vịt cũng được chị Bảy bỏ vào chuồng gà ngoài sân

             Buổi chiều ba đi làm về, nhìn vào chuồng gà thấy hai chú vịt lấm lem vì ngã lăn quay trên cát để đuổi theo em tôi thì ba hướng dẫn cách chơi khác mỗi khi vui đùa với vịt xong, mượn chị Bảy cái thau nhỏ cho hai chú vịt bơi trong đó và xắt mỏng rau muống cho vịt ăn nhờ vậy em tôi mới không hành tội bắt hai chú vịt chạy theo mình hoài, hai chị em thích thú xem vịt chúi đầu xuống nước tắm thỉnh thoảng ngẩng đầu lên vung vẩy cho rơi nước xong mới thò hai cái mỏ màu cam xinh xắn bập bập rau !

          - Cho anh em Quân chơi với !..
          Giật mình ngẩng đầu lên tôi thấy hai đứa con trai bất ngờ xuất hiện trước mặt, cả hai có lẻ lớn tuổi hơn tôi một chút, đứa con trai mặc áo màu kaki tự giới thiệu mình tên Quân  và chỉ đứa em trai mặc áo màu xám nhạt đứng kế bên tên Thuyên,
           Quân còn chỉ cho tôi nhà của Quân ở gần đó, cửa sau nhà Quân kế bên nhà ông Ba Ưu và mặt tiền nhà Quân nằm ngay ngã ba hẽm lớn, căn nhà nầy luôn đóng cửa im ỉm ở mặt trước, hàng ngày khi đi học ngang qua tôi hay tò mò nhìn, tôi thường thấy thấp thoáng ở cửa sau một người đàn bà lớn tuổi hơn mẹ tôi một chút bế đứa con gái nhỏ xíu, bà luôn mặc áo bà ba màu măng cụt, tóc búi phía sau, căn nhà im ắng không thấy bóng dáng đàn ông hay ai ngoài người đàn bà đó, chỉ có mỗi con chó mực được cột ở cửa sau cất tiếng sủa vang mỗi khi có ai đi ngang qua....!
            Thật là bất ngờ khi hai gương mặt con trai vừa sáng sủa vừa vui vẻ đến làm quen ! Em gái tôi vui lắm, nó sốt sắng xích qua một bên cho anh em Quân ngồi xuống, Quân nhanh nhẹn giành cắt rau và bưng thau nước đi thay, em tôi vui hẳn lên, luôn miệng hỏi han Quân và Thuyên chìu em tôi trả lời tất cả mọi chuyện ngay cả những câu hỏi ngây thơ nhất !
            Bốn đứa trẻ chúng tôi sáng sáng vui đùa rồi ngắm vịt bơi lội, chị em tôi càng vui hơn khi có hai anh em Quân, được vài hôm thì Quân đề nghị thay vì cho vịt bơi trong thau , Quân sẽ đào một cái ao nhỏ ngay trên cát ngoài sân cho giống ao thật hơn, khi nào chơi xong sẽ cho vịt "tắm" lại trong thau nhỏ, Thuyên nói giống như cái ao sau nhà Thuyên ở quê vậy
         Hai anh em Quân nhanh nhẹn đào sâu xuống cát một khoảng rộng và sâu hơn cái thau một chút, ao không tròn vành như cái thau mà có những đoạn uốn lượn trông rất thiên nhiên, đất đào ra được Quân be thành bờ cao chung quanh ao, Quân còn đi bứng những đám cỏ nhỏ hay cây con gần nhà trồng lên bờ cát, hai chú vịt càng tung tăng bơi thoả thích trong cái ao thiên nhiên bé nhỏ nầy
           ...Lúc nào cũng như lúc nào khi mẹ hay chị Bảy gọi vào nhà thay quần áo là anh em Quân ngoan ngoãn đi về hẹn hôm sau qua chơi tiếp, từ đó bốn chúng tôi thân thiết với nhau hơn và luôn có những trò chơi mới !

            Em gái tôi tuy nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng xinh đẹp và liếng thoắng, em hay hỏi, hay nghe và cái gì cũng muốn người ta chìu theo ý mình, trong những ngày có anh em Quân thì em càng đưa ra nhiều ý tưởng mới anh em Quân đều vui vẻ làm theo, chúng tôi không còn chơi đơn giản như trước mà quy mô hơn, thay vì bày biện đồ chơi nhà bếp ra nấu giả thì chạy vào bếp xin cơm và thức ăn thật, rồi giả như nấu xong dọn ra ăn, rồi Quân đi nhặt những quả gòn non rụng trong sân nhà ông Mười kế bên giả làm ổ bánh mì xẻ ra cho rau thái nhỏ vào, cũng có giấy bọc chung quanh như ổ bánh mì thật để bán hàng...
           Em tôi lại đề nghị làm nhà ở bằng hai chiếc mền, Quân cột sợi dây dài lên cao nối từ cửa sổ ra hàng rào, hai bên phủ hai cái mền lớn và bốn chân mền được gác lên bốn cái ghế, thế là chúng tôi đã có cái nhà hai mái với hai phòng bên trong , chúng tôi bắt đầu nấu đồ ăn thật dưới sự chỉ đạo của Quân, tất cả chuyện gì khó khăn anh em Quân đều làm nhanh nhẹn, vén khéo và giỏi,
       ....Thỉnh thoảng tôi quay lại nhìn về cánh cửa sau nhà Quân thì thấy người phụ nữ bế con đang nhìn về phía chúng tôi chơi, bà cũng lặng lẽ như cái yên tĩnh của căn nhà luôn đóng cửa phía trước, còn Quân đang chơi mỗi khi nghe tiếng em bé khóc là gọi Thuyên chạy về xem sao, Thuyên sấp xỉ anh nhưng rất ngoan nhanh nhẹn chạy về rồi quay lại ngay...

           Năm nay cây sứ hồng trồng trong chậu lớn giữa sân đúng lứa cho  hoa nở thật nhiều, ba tôi nói đó là dạng "sứ cùi" nên hoa càng nhiều thì lá rụng gần hết, mỗi lần chơi với nhau chúng tôi phải quét gom hoa lại, em gái tôi thấy màu hồng của hoa đẹp thì thích lắm, em đòi chơi trò "công chúa" không cần chúng tôi  đồng ý hay không em đã chaỵ vô phòng ba mẹ mang hai chiếc khăn voan của mẹ dùng để choàng mỗi khi đi xa, chẳng biết ai dạy em có sáng kiến cột hai đầu khăn lại rồi chui vào thế là em có cái áo đẹp bằng voan dài lê thê so với chiều cao của mình, công chúa phải có hoa trên đầu như trong truyện tranh em nhìn thấy, rồi em chỉ những bông hoa sứ rụng trong sân đòi Quân phải kết thành vòng hoa cho em đội, tính em tôi rất bướng muốn cái gì cũng đòi cho bằng được, sợ em khóc làm phiền người lớn, lúc nào Quân cũng nghe theo.
       Tôi và Thuyên đi nhặt hoa chọn những hoa còn tươi gom lại cho Quân, hoa sứ không có nhuỵ nên Quân dùng cuốn hoa gắn vào giữa năm cánh thật chặt cứ thế mà kết nối nhau lại tạo được vòng hoa trên đầu, vòng đeo cổ và cả hai tay, em tôi hài lòng lắm cười vui...
         Chợt nhớ ra hai cái khăn dài lê thê phết đất, sợ khăn dơ em lại nghĩ ra trò khiêng công chúa đi từ đầu sân đến cuối sân, em  mè nheo kéo vai Quân mà đòi, đang cắm cúi xỏ cho hết hai vòng đeo tay cuối cùng Quân hứa sẽ cùng Thuyên bắt chéo tay khiêng em tôi, em hớn hở gọi Quân và Thuyên là "hai quân sĩ"....
           Đến trò chơi nầy, ngoài việc cùng Thuyên đi nhặt hoa cho Quân xong thì tôi chỉ ngồi nhìn và chờ theo ý em như anh em Quân, cũng hơi buồn và không biết mình sẽ làm gì, tôi hỏi nhỏ Quân :
        - " Vậy tui làm gì hả Quân ?"
        Vẫn cắm cúi gắn cho chặt những bông hoa rơi, Quân vừa chăm chú làm vừa nói cho tôi đủ nghe :
        - " Mai làm "hoàng hậu" !!
       Câu nói của Quân làm cho tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, tôi đinh ninh mình sẽ là "tì nữ" nâng vạt áo cho em hay làm bếp nấu cơm cho công chúa... không ngờ Quân lại có ý nghĩ như vậy. Thật sự trong suốt thời gian bốn đứa chúng tôi chơi đùa với nhau, em gái tôi lúc nào cũng được nuông chìu, em đẹp và mỗi khi mẹ dắt đi đâu em cũng được mọi người khen khi thì "Em bé đẹp" lúc thì "trắng trẻo như công chúa" cho nên em quyết định làm công chúa ! ngôi vị "Hoàng hậu" tôi nghĩ chỉ là mẹ thôi ! Tôi là chiếc bóng của em, âm thầm, lặng lẽ....
          Câu trả lời của Quân làm tôi bất ngờ và xúc động, tôi chỉ biết im lặng nhặt hoa đưa cho Quân và ....nhớ hoài câu nói nầy của Quân cho đến ....suốt đời, dù trải qua một  thời gian dài gặp biết bao nghịch cảnh, dù nhọc nhằn hay đau khổ, câu nói của Quân làm ấm lòng tôi mỗi khi tôi cảm thấy cô đơn và giúp tôi mạnh mẽ hơn để vượt qua gian khổ, làm hoàng hậu thì không thể nào thua ai và không bao giờ cô độc !!...Dĩ nhiên "Tôi là hoàng hậu", điều nầy chỉ có tôi và Quân biết !!

         Rốt cuộc em tôi cũng chán, Quân bất chợt đề nghị đi qua ao rau muống vớt bèo cho vịt ăn, lúc nầy hai chú vịt bắt đầu ăn nhiều, cái ao Quân đào càng ngày càng sâu rộng hơn, em tôi hưởng ứng liền, tôi ngần ngại vì biết ao nằm bên kia đường Hai Mươi, chiều nào cậu ba cũng chở tôi qua để phụ với cậu mở cửa, sắp bàn ghế lau bụi cho lớp học bình dân
          Lớp học nầy ba mẹ đã thuê một căn nhà rộng ở đó rồi "huy động" cả nhà đêm đêm qua dạy chữ cho dân nghèo, ngoài ba mẹ còn có cậu ba và hai người bạn thân của cậu là cậu năm Đ và cậu hai N và tôi cũng là một "cô giáo nhỏ"...!
          Năm đó tôi chỉ mới bảy tuổi nhưng hết hè tôi sẽ lên lớp nhất, mẹ nói tôi dư sức kèm trẻ em từ lớp vở lòng cho đến lớp ba, mẹ chỉ tôi cách dạy như dò cửu chương, đọc chính tả, những bài toán cộng, trừ, nhân, chia...
         Buổi chiều ở ao rau muống thật buồn và hình như mau tối hơn vì đa phần dân nghèo chỉ xài đèn dầu hay cùng lắm là đèn "măng sông" và cũng chưa có điện kéo tới ! Lớp học cũng xài loại đèn nầy, mùi dầu hôi của đèn thật khó chịu , chung quanh và trước mặt nhà nào cũng có một hàng lạch nhỏ thay cho cống thoát nước, ô rô lẫn cỏ dại mọc rất nhiều
           Thú thật vì tôi chỉ là con bé bảy tuổi cho nên "cô giáo" rất sợ muỗi, sợ những con rắn mối, cóc nhái thấy ánh đèn sáng chạy vào đớp muỗi. Trời càng tối thì tiếng ễnh ương, nhái bầu càng lớn, lắm lúc thật buồn ngủ, mỗi khi mẹ đi ngang qua xong tôi lại co hai chân lên ghế ! Mẹ vừa dạy vừa thỉnh thoảng tới kiểm tra xem tôi "dạy" ra sao !
          Những "học sinh " mà tôi phụ trách là những đứa bé của gia đình nghèo quần áo lôi thôi, có đứa mũi xanh chảy lòng thòng, thỉnh thoảng đưa tay lên quệt ngang làm "cô giáo" cứ rình chmẹ đi qua thì né ra xa...! 
         Lúc Quân rủ, tôi chỉ làm thinh mà cũng không cho Quân biết buổi tối mình "dạy học" ở đó, đối với tôi khung cảnh nơi đó thật buồn khi chiều xuống, hoa rau muống cụp lại, bèo và rong rập rình trên mặt ao trong chiều tối là những đốm đen chập chờn trên mặt nước đen thui trông thật ảm đạm, thế nhưng thấy anh em Quân rủ và em tôi  háo hức, tôi lẳng lặng cùng đi...
          Chúng tôi băng qua đường, Quân cẩn thận trông trước trông sau, con hẽm lớn dẫn vào ao ban ngày trông quang đãng hơn nhiều, và khi chúng tôi đứng trước ao thì một cảnh tượng sáng rực đẹp vô cùng mà tôi không ngờ hiện ra trước mắt : mặt ao rau muống mênh mông lăn tăn những đợt sóng nhỏ theo gió phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh lung linh như kim cương, không có tiếng ếch nhái ễnh ương mà là tiếng chim ríu ríu bay chuyền trên những cây cao trồng chung quanh ao, mặt ao lại đầy màu tím của hoa rau muống, chuồn chuồn lớn, chuồn chuồn kim và bướm dủ màu vờn nhau...
         Lúc ấy tôi chỉ thấy màu sắc xinh tươi của hoa, màu xanh của lá và những đám rong, bèo tạo thành quang cảnh đẹp mắt linh động, sinh khí dường như bao trùm những gian nhà tôle và nhà lá chứ không tăm tối như ban đêm, tôi chỉ đứng đó ngắm nhìn so sánh mà cũng không hề nói cho Quân biết, vì còn quá nhỏ tôi không biết tâm trạng con người ta khi đứng trước một cảnh quan giống nhau lại có thể có những cảm nhận khác nhau, nhờ Quân tôi đã thưởng thức được vẻ đẹp thiên nhiên đầy ánh sáng và sức sống của nơi nầy, một nơi mà ban đêm thật là tối tăm ...
          Cứ như thế vài ba ngày anh em Quân lại rủ hai chị em tôi đi vớt bèo cho hai chú vịt con, những lần đi đó chỉ có Quân và Thuyên thay nhau lội xuống cắt rau, vớt bèo tuyệt nhiên chị em tôi chỉ đứng nhìn và em tôi hò reo vui vẻ khi Quân bắt cho nó con bướm hay chuồn chuồn....

         Thỉnh thoảng ông Ba Ưu qua nhà chuyện với ba tôi, ông là "ông đốc học" nên rất oai vệ, tiếng nói vang vang  lớn, trên tay lúc nào cũng cầm cây can và miệng luôn ngậm ống pip phì phà khói, ông có vẻ không thích những người "di cư" ông thường nhắc nhở ba tôi hãy dè chừng họ, vì bên trái nhà tôi cũng có một gia đình di cư, tuy nhiên hai vợ chồng nầy cùng hai đứa con nhỏ trông sạch sẽ hiền lành, cả nhà lúc nào cũng mặc quần áo màu trắng vải phin, hai đứa trẻ trắng trẻo mập mạp chỉ đeo hàng rào ngó sang nhìn chúng tôi chơi.... Gia đình nầy khác với gia đình Quân nhưng tất cả các đứa trẻ của cả hai nhà đều lễ phép ngoan ngoãn
          Trong khi ông Ba không thiện cảm thì ba tôi trái lại , có lần trong đêm Trung Thu ba nhìn chúng tôi chơi rước đèn cùng con nít trong xóm, anh em Quân luôn cầm đầu khéo léo dẫn dắt chúng tôi, nhất là Quân và Thuyên luôn chìu theo ý em, ba tôi đã cười và buột miệng nói : "Thằng "Bắc kỳ con" nầy khôn tổ sư !" Và chưa bao ba giờ phản đối hay khó chịu khi thấy chúng tôi thân thiết chơi với nhau suốt cả mùa hè....

            Ba tháng hè qua nhanh, chúng tôi bắt đầu đi học, chỉ có dịp gặp nhau vào ngày thứ bảy và chủ nhật, hai chú vịt con giờ đã lớn cho nên không thả chạy rông như trước, chúng bị nhốt trong lồng gà lớn có thau chứa nước để tự tắm, lớp học tạm đóng cửa vì mẹ sắp có em bé, mùi dầu đốt dèn làm mẹ dễ bị ngộp. hơn nữa trong thời gian nầy cậu ba còn chuẩn bị thi tú tài 1....
             Bà ngoại lại lên dắt theo bà Tám trạc tuổi ngoại, nghe nói bà ở Nhu Gia, bà Tám là người nuôi em trai lớn của tôi lúc mẹ sinh ra em cách hai năm trước, bà Tám lên thì chị Bảy lại về Trà Kha vì ngoại nói có người ở quê ra nhắn chị về, mẹ chị bệnh cũng khá nặng ! Chia tay với chị Bảy cả nhà ai cũng buồn vì tánh chị chân chất lúc nào cũng vui cười, chị hay kể chuyện  bà con dưới quê cho mẹ tôi nghe.
          Ba mẹ quyết định cho chị Bảy mang hai chú vịt về quê vì chúng đã lớn mẹ lại khó ngủ, đêm về hễ có tiếng động là chúng "cạp cạp" um sùm, chúng chưa đủ lớn để làm thịt vã lại ba mẹ cũng không muốn chị em tôi chứng kiến cảnh cắt cổ hai chú vịt thân thiết của hai chị em  !!

        Con chó mực của nhà Quân mấy hôm nay ủ rủ không hay sủa như trước, nó nằm mẹp cạnh góc cửa sau được vài hôm thì biến mất ! Ông Ba lại sang nhà tôi nói chuyện, tôi chỉ nghe câu được câu mất, ông nói có lẻ tụi nó ăn thịt rồi... "Bắc kỳ" hay ăn thịt chó với "cá rô cây", rồi ông hỏi đùa tôi có hiểu không ? Ông về nhà ba tôi mới giải thích và nói không hiểu tại sao ông Ba lại ác cảm với người Bắc di cư ?
          Hôm sau anh em Quân sang chơi, bất chợt em gái tôi hỏi thẳng con chó đâu bộ nhà Thuyên ăn thịt nó rồi hả ? Quân nói nhỏ, con chó bệnh cho nên nhà làm thịt, nhưng Quân không ăn !! Em tôi xì  một tiếng "Quân xạo" lúc ấy Thuyên bênh anh liền, Thuyên nói " Thật đó nhà Thuyên ăn, nhưng anh Quân không bao giờ ăn !"
          Câu chuyện tưởng như chẳng đáng gì thế mà ông Ba đi nói với hàng xóm, tiếng ông lớn có lẻ nhà Quân nghe được, cánh cửa sau không còn con chó lúc nầy đóng im ỉm và hai anh em Quân không qua nhà tôi nữa...!
        Tết Trung Thu đến anh em Quân lại sang chơi, trước khi về Quân nói nhỏ với tôi nhà Quân sẽ dọn đi chỗ khác, và anh em Quân cũng chưa biết dọn về đâu, ngày hôm đó thật là buồn, tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng lờ mờ đoán ra nguyên nhân từ việc con chó mực chết, sau nầy gia đình tôi mới biết ông Ba không ưa những người Bắc di cư vì họ trốn chế độ Cộng sản, vượt biển vào Nam, gia đình ông Ba gốc Ba Tri Bến Tre là nơi hoạt động của Mặt Trận Giải phóng Miền Nam, ông có hai người con trai lớn đi theo Cách Mạng vì thế ông không thích người di cư !
            Gia đình Quân dọn đi âm thầm và chị em tôi không còn có dịp gặp lại hai anh em Quân ! câu nói "Mai là hoàng hậu" tôi vẫn không quên, sau nầy học Sư Phạm từ "Quân" thường được dùng, Quân là vua, quân là "anh", là "chồng" chỉ đại từ ngôi thứ hai.... Tôi yêu chữ Quân và những bài thơ nào có chữ Quân tôi đều thuộc...

          Ngồi trên chiếc xe GMC của Công An huyện Long Đất đưa đám phụ nữ chúng tôi về trại E 5 của tỉnh Đồng Nai, tất cả đám nữ tù vượt biên chúng tôi đều buồn bã, về đó chúng tôi mới thực sự biết án vượt biên của mình.
         Xe dừng lại trước một trạm Công An khác để lấy thêm người, nhìn qua khung cửa lưới sắt phía bên ngoài là khu chợ nhộn nhịp có tiếng nhạc, tiếng hát rồi tiếng người đọc quảng cáo cho hai cuốn phim sắp chiếu, phim đầu là "Trại nữ tù binh" Một sự trùng hợp lạ kỳ, bỗng dưng tôi bật khóc, cả đám con gái trên xe cũng khóc ,....Rồi tiếng người quảng cáo lại đọc tiếp phim thứ hai là "Quân Vương và Thiếp", phim kể về một mối tình thật đẹp giữa nhà vua và cô gái, tôi đã ngừng khóc lắng nghe, cái gì mà khóc chứ, Quân đã nói tôi là Hoàng hậu mà ! Tất cả những kỷ niệm ngày còn bé lại hiện về, Quân người bạn hàng xóm dễ thương, một người anh trai tốt bụng chu đáo, một tình bạn đầu tiên tuyệt vời mà tôi luôn ghi nhớ, tôi mong rất nhiều sẽ có ngày được gặp lại hai anh em Quân, và ở đây mỗi khi tôi buồn , tôi sẽ đưa tâm trí mình trở về những ngày thơ ấu cũ ...
          Nhưng mà Quân bây giờ ở đâu nhỉ ? Trong cái cảnh "cá chậu chim lồng" nầy tôi nhớ về Quân, về "ngôi vị" của mình biết bao nhiêu !! Không biết Quân có bao giờ nhớ lại thời thơ ấu cũ ? Quân vẫn còn hay đã mất trong cuộc chiến vừa qua, hay Quân đã vượt biên qua bên kia nửa vòng trái đất ?! chỉ biết một điều là không bao giờ tôi muốn ngâm câu :
Quân bất kiến
Hoàng hà chi thuỷ thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi....
(Tương tiến tửu - Lý Bạch)

Phỏng dịch:
Anh không thấy sông Hoàng hà luôn chảy ?
Cao trên không buông theo sóng gập ghềnh...
Sóng xa bờ ra biển cả mông mênh,
Mãi phiêu bạt biết bao giờ trở lại !?
NM Phan thị Ngọc Diệp

 *******
Cổ tích trường  xưa

Những Ngày Thơ Mộng

Hạ buồn

Kết quả hình ảnh cho tranh vẽ tuổi thơ
Tôi đi tìm lại tuổi thơ tôi,
Chùa cũ trường xưa chẳng đổi dời...
Nhưng hình bóng cũ đâu còn nữa.?!
Tôi chỉ còn tôi, "cổ tích" ơi !
NM
Hình ảnh có liên quan
Cổ tích trường  xưa
          Năm lên sáu tuổi tôi được ba mẹ cho đi học như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Ở gần nhà cũng có trường Tiểu học Công lập Bàn Cờ, nhưng tôi lại được ba mẹ chọn học trường Tiểu học Tư thục Trí Tri  So sánh khoảng cách giữa hai trường thì trường Trí Tri rất gần, mẹ nói để sau nầy lớn lên chút nữa tôi có thể tự đi học một mình và cậu ba sẽ không phải đưa đón
          Nhưng thật ra đó chỉ là một nguyên nhân phụ, lý do chính vì tôi là con gái đầu lòng, mẹ nói đứa con đầu tiên nào cha mẹ cũng quan tâm chăm sóc kỹ hơn mấy đứa em sau , ba mẹ lại không phân biệt nam hay nữ. Trước khi đi học mẹ dắt tôi qua chùa Phật Bửu nhờ sư ông xem này lành tháng tốt mới cho cậu chở đi vì trong nhà cậu Ba là người học cao. Cậu theo chương trình Pháp sắp thi tú tài, nhưng lý do chính là tôi tuy sáu tuổi bắt đầu đến trường lại không xin học lớp vỡ lòng hay lớp năm (bây giờ là lớp một) mà tôi xin học lớp tư....!
          Số phận cho tôi biết chữ rất sớm, vì thế lúc đến trường thì tôi đã biết viết chánh tả, thuộc lòng cửu chương và làm toán khá rành. Ba mẹ cho học trường tư vì muốn sau nầy tôi học sớm và học chương trình Pháp như cậu !
***
          Trường Trí Tri nằm ngay góc ngã tư con hẽm lớn với đường Bàn Cờ, gọi là trường nhưng thật ra đó chỉ là căn nhà lớn có lầu bằng gỗ  chắc chắn, tầng dưới có ba dãy bàn, một dãy dành cho lớp vỡ lòng, một dãy lớp năm và một dãy lớp tư. Học sinh thời đó rất ít cho nên tầng dưới chỉ có hai cô, một cô dạy vỡ lòng vì lớp nầy phải dạy từ đứa và phải cầm tay tập viết, ...  lớp năm và lớp tư chỉ có một cô phụ trách. Tầng trên cũng có ba lớp : lớp ba, lớp nhì và lớp nhất, cũng có hai cô giáo phụ trách, một cô dạy lớp ba và lớp nhì, một cô dạy lớp nhất....
          Ngày đầu tiên lúc cậu Ba dắt tôi vào xin học lớp tư thì thầy hiệu trưởng cho làm bài tập kiểm tra, thầy bằng lòng cho tôi vào thẳng lớp tư, học được một tuần thì thầy gặp cậu nói sẽ cho tôi lên lớp ba, chứ bắt học cả năm lớp tư rất uổng ! Và giống như vậy, một tuần sau tôi lên lớp nhì....!! Lần nầy có lẻ vừa với sức học của tôi và cũng không thể nào cho một con bé con sáu tuổi học lớp nhất , vì thế tôi học suốt năm cho đến hè...sau đó tôi lại tiếp tục lên lớp nhất tại trường Trí Tri
          Trường  không có sân cho nên giờ ra chơi học sinh được tự do quanh quẩn trong lớp, sau những dãy bàn ghế, hay chung quanh tấm bảng gần bàn cô giáo. Cái sân nhỏ ở mặt tiền trường chỉ dùng để xe của nhân viên và giáo viên. Lớp học rộng nên cũng không đến nỗi tù túng, đèn bật suốt ngày cộng thêm ánh sáng từ hai cửa sổ lớn giúp cho lớp sáng và thoáng. Duy nhất làm cho lớp học sinh động và có niềm vui là cây bông giấy được trồng sát bên tường cạnh cửa sổ quanh năm nở hoa đong đưa theo gió....Giờ ra chơi tôi thường ngồi ngay bàn học tay chống cằm ngắm những chùm bông giấy đỏ rực lung lay không biết chán
           Tôi không bao giờ quên năm học lớp nhất ở đó. Cô giáo lúc ấy khá lớn tuổi, cô thường mặc áo dài màu tối, nếu áo hoa thì cũng là hoa nhỏ mang sắc u buồn, cô đi dạy đem theo một đứa cháu trai khoảng bốn tuổi, đứa bé thường ngồi vào ghế cô giáo, có khi nó nằm bò trên bàn, cô còn mang theo quà bánh vào lớp bán cho học trò. Mỗi khi tôi làm bài xong nộp cho cô,  cô bận hay nhờ tôi bán hàng, thối tiền có lúc lại phụ cô chấm bài các bạn lớp thấp hơn !!...Tôi được làm "cô giáo nhỏ" từ thuở đó, giống như tôi làm "cô giáo" phụ với ba mẹ trong lớp học bình dân, không hiểu sao tôi cũng chưa bao giờ kể cho ba mẹ nghe việc nầy !
          Học gần hai năm ở trường Trí Tri tôi không có bạn thân có lẻ lúc đó vì đi học sớm, tính tôi không chạy giỡn nô đùa như các bạn nhưng tôi thường được cô giáo nhờ phụ giúp dò bài cho các bạn lớp nhỏ cho nên tôi  không cảm thấy lẻ loi, vì thế khi rời trường Trí Tri tôi không buồn mà cũng không nhớ, chỉ háo hức mong qua học trường mới
***
          Đối diện nhà tôi ở lúc bấy giờ là nhà ông Ba Ưu, ông làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Công lập Trương Minh Giảng, trường tọa lạc trên con đường cùng tên, ông hay sang nhà tôi chơi. Ông thấy những khi rảnh rổi tôi thường đọc báo, xem truyện thiếu nhi của mẹ mua cho, tôi đọc rất nhanh, nhất là ba tháng hè ba mẹ tìm không kịp sách cho tôi đọc. Ông Ba mang cho tôi thật nhiều sách truyện thiếu nhi của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Cái ấm đất, Dế mèn phiêu lưu ký, sự tích trầu cau,Thạch Sanh Lý Thông.... Có cả tiểu thuyết như Hồn Bướm mơ tiên,  Gánh hàng hoa, Gió đầu mùa, các tập thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, bộ sách các Nhà Văn Hiện Đại....Ông nói đây là sách của nhà trường dùng để phát thưởng hàng tháng cho học sinh học từ hạng nhất đến hạng năm
          Hè năm đó tôi say mê đọc và hay suy nghĩ về ngôi trường tiểu học của ông Ba, tôi mơ ước được học ở đó, được thưởng sách hàng tháng khi đứng thứ hạng cao...nhưng tôi biết mình không thể vào học nửa chừng với số tuổi nhỏ hơn số tuổi quy định
          Trời cũng chìu lòng người, khi tôi lên lớp nhất được một tháng thì ông Ba cho hay ông sắp về hưu. Ông khuyên ba mẹ hãy cho tôi vào trường của ông đang phụ trách, nhưng vì tuổi quá nhỏ tôi phải học trở lại lớp nhì, như vậy vẫn còn nhỏ hơn số tuổi quy định, ông hứa sẽ xin giảm tuổi cho tôi và dắt tôi vào lớp nhì dù đã bắt đầu năm học ! Nghe lời ông Ba phân giải nhất là ông nói khi học đủ điểm tôi sẽ được miễn thi Tiểu học, ba mẹ vui vẻ và bằng lòng cho tôi vào học trường Trương Minh Giảng...
.          Lần đầu tiên tôi không ngủ được, tôi luôn suy nghĩ về ngôi trường vừa xa lạ vừa thân quen nhờ những cuốn sách truyện hấp dẫn kia, nhưng cũng lo vì mẹ bắt buộc lúc nào cũng phải  xếp hạng trong năm người đứng đầu của lớp. .Mẹ nói vì tôi học lại hai lần, cứ tuột một hạng mẹ sẽ phạt năm roi... ! Ngược lại hạng cao mẹ sẽ thưởng quà. Với lứa tuổi non nớt tôi vừa vui mà cũng rất lo lắng !
***
          Ngôi trường mới quá xa đối với nhà tôi, cậu đi học, ba đi làm, mẹ lại có em nhỏ. Ba mẹ quyết định cho tôi đi cyclo tháng của chú Hai gần nhà, Chú Hai là người Tàu to con vui tính lại cẩn thận, chú vui vẻ nhận đưa rước tôi hàng ngày và chú luôn giữ đúng giờ nên ba mẹ rất yên tâm
          Ngày đầu tiên tôi đi học ở trường mới có ông Ba đi chung, hai ông cháu ngồi trên xe chú Hai. Ông Ba dặn dò đủ chuyện và rất vui vẻ cho tôi an tâm, tôi theo ông vào phòng Hiệu trưởng chờ cho các lớp vào học xong ông mới dắt tôi vào giới thiệu với cô và các bạn. Ông thật oai với bộ đồ vest bốn túi, ống pip cầm trên tay, tiếng ông to và rõ, ông dõng dạc nói chuyện nghiêm trang nhưng vui vẻ làm tôi hãnh diện vô cùng khi được ông dắt đứng kế bên nói với các bạn :" Đây là "cháu gái" của "ông đốc", cháu "nhỏ" và hiền lắm các trò đừng ăn hiếp cháu ông nha..." Bao nhiêu cặp mắt đều nhìn về phía tôi vừa tò mò vừa có vẻ e dè nhưng các bạn đồng loạt dạ thật to
          Tôi đã thật sự bước vào cánh cửa thần tiên trong ngôi trường Tiểu học Trương Minh Giảng, nơi mà tôi từng mơ ước.! Trường có hai dãy dài, khang trang, sân trước và sân sau thoáng rộng, học sinh  đông nhưng nề nếp và ngoan ngoãn, các cô giáo ai cũng mặc áo dài thật đẹp đủ màu sắc trang nhã. Chung quanh trường là những cây gòn cao xanh ngắt xen lẫn với những bụi bông bụp hoa đỏ thắm. Cuối sân trường có trồng một cây hoa phượng đỏ giờ vẫn còn đầy hoa rực rỡ, tôi rất vui và hài lòng, tự hứa sẽ cố gắng học để được cô giáo thưởng sách...
        Nhưng điều mà tôi yêu thích nhất là tiếng trống trường ! Cái trống to treo ở cuối sân có âm rất lớn, tiếng trống ấm, vang xa thúc giục học sinh nhanh chóng tụ họp về lớp ...Chú Tám lao công là người phụ trách đánh trống nầy. Lúc ông Ba còn làm Hiệu trưởng vào những ngày thứ hai đầu tuần làm lễ chào cờ thì đích thân ông đánh trống khiến không khí càng thêm trang nghiêm, không hiểu sao những lúc đó các bạn thường quay ra nhìn tôi ?!
***
      Trường Trương minh Giảng là trường tiểu học công lập, dạy từ lớp năm cho tới lớp nhất, mỗi cấp lớp có hai lớp A và B, lúc tôi vào học lớp nhì thì học buổi chiều, sỉ số của lớp rất cao trên 60 học sinh, nhưng tất cả chúng tôi đều rất ngoan ngoản, không ồn ào hay phá phách...
           Cô giáo mới của tôi là người Huế, cô cũng họ Thái giống như họ của mẹ. Tánh cô nhu hoà nhỏ nhẹ nhưng nghiêm trang, lúc nào cô cũng mặc áo dài lụa màu thanh nhã, tóc cô búi cao cài trâm, trông vừa sang vừa gần gũi...Ông Ba nói chồng cô là sĩ quan ít ở nhà, ngày ngày cô cũng đi xe cyclo tháng đến trường. Nhà cô ở cư xá Yên Đỗ cho nên mỗi khi chú Hai chở tôi đến trường hơi trễ vừa chạy đến cổng cư xá thì thấy xe cyclo của cô cũng vừa quẹo ra...
          Chỉ trong môt thời gian ngắn không đầy nửa tháng mà hai ông đạp cyclo đã quen nhau! Tôi ngại nhất là lúc chú Hai đón trễ vì hay gặp xe của cô. Thường thì tôi nói với chú Hai hoặc là chạy nhanh lên để tôi đến trường trước cô, hai là chậm lại sau xe cô, nhưng chú gạt ngang vì thích vừa đạp xe đi song song vừa trò chuyện vui vẻ...Những lúc đó tôi  có cảm giác như mình trịch thượng, một con bé học sinh nhỏ tí mới tám tuổi ngồi trên xe chạy ngang hàng với xe của cô, cho nên thỉnh thoảng tôi cứ len lén liếc sang nhìn nhưng cũng cảm thấy yên tâm vì cô luôn mỉm cười nhìn thẳng....
          Sỉ số học sinh trong lớp tuy khá cao nhưng các bạn rất chăm, ngoan. Hàng tuần đều có xếp hạng, cuối tháng có bảng danh dự và phần thưởng sách vỡ kèm theo như lời ông Ba kể. Trưởng lớp của tôi là con gái dù đây là lớp hỗn hợp vừa trai vừa gái...Tôi vào học vài tuần thì mới rõ được tình hình lớp mình và mới hiểu vì sao cô cho Đường làm trưởng lớp. Đường rất thuỳ mị nghiêm chỉnh, học lại giỏi ra dáng cô thiếu nữ hiền thục. Dậu là con trai cũng học giỏi nhưng hay giỡn, nhanh nhẩu và lí lắc phải chịu làm phó .Cả hai là đối thủ bất phân thắng bại thay phiên nhau nhất nhì trong lớp, vì vậy muốn giữ lời hứa với mẹ đối với tôi thật là khó khăn dù tôi rất chăm và cố gắng. Ngoài ra còn có Tạ Tất Quang, Ánh Tuyết, Xuân Nhật.... Chúng tôi thay nhau xếp hàng sau.... đuôi của Dậu và Đường, hoạ hoằn lắm mới vọt lên hạng nhì của tuần, còn hạng nhất thì rất hiếm !
***
         Gần cuối năm lớp nhì cô giáo có bầu bụng khá to, thỉnh thoảng cô đi trễ hoặc nghỉ dạy. Đường và Dậu cùng nhau giữ lớp trật tự và im lặng, nhưng khi chú Tám vô báo tin cho về là cả lớp vui mừng như vỡ chợ, các bạn cùng hô "Ông vua Dậu, hoàng hậu Đường" làm Đường cũng phải bật cười hối chúng tôi ra về để giữ yên tĩnh cho các lớp khác đang học. "Biệt danh" nầy dùng để xưng tụng cho tài học giỏi của Dậu và Đường !!
          Tuy thích trường và bạn mới, nhưng bản tính tôi khá rụt rè, giờ ra chơi chỉ đứng nhìn các bạn vui đùa...Nhưng lý do lớn nhất có lẻ tôi còn nhỏ hơn các bạn ít nhất vài ba tuổi, lại đi xe cyclo đưa đón cho nên khó thân gần, may nhờ sức học kề nhau nên tôi được các bạn lưu tâm đến. Ánh Tuyết là cô bạn rất xinh da trắng, tóc cắt bum bê, cũng be bé đẹp như hình công chúa Bạch Tuyết. Nhà Tuyết ở trong đầu hẽm ngang trường. Trong lúc chờ chú Hai, Tuyết hay rủ tôi sang chơi, lúc nào Tuyết cũng dặn chờ Tuyết nhốt mấy con ngỗng rồi mới vào sân, mấy con ngỗng nhà Tuyết rất khôn biết giữ nhà, hễ có người lạ vào sân là chúng đuổi theo mỗ !....Căn nhà của Tuyết thật nên thơ với hàng rào cây sơn màu trắng, trong sân có trồng hai cây chùm ruột và mận thật sai trái...Gần đến giờ tan trường thì Tuyết lại đưa tôi qua đường đứng trước cổng trường chờ chú Hai.
          Dần dần chúng tôi càng gần nhau hơn, tôi không còn cảm thấy cách biệt với các bạn, tuy vậy giờ ra chơi tôi vẫn đứng ở góc sân nhìn các bạn nô đùa với nhau. Quang trong lớp không nghịch ngợm, nhưng giờ chơi thì thật là tếu, hết đá cầu rồi đuổi bắt rồng rắn....Quang thường quay lại nhìn tôi và ngoắt tay kêu "Nhỏ ơi, ra đây chơi ..." Quang chưa bao giờ gọi tên tôi !
***
          Cô giáo lại nghỉ, tin báo vào đầu giờ, chú Tám cho về và dặn Đường, Dậu giữ trật tự cho lớp, bỗng dưng Quang đề nghị tụi mình qua chùa chơi đi...!Tất cả các bạn đều hưởng ứng, riêng tôi ngại ngùng đứng làm thinh vì không biết chùa ở đâu, gần hay xa ? Chưa gì các bạn đã chạy túa ra cổng và quẹo vào con hẽm lớn bên cạnh trường. Đường, Dậu, Quang và một số ít bạn lại đi vòng ra sân sau của trường có cửa thông qua hẽm....Quay lại không thấy tôi đi theo Quang kêu "Nhỏ ơi, qua chùa đi, chùa đẹp lắm mà mấy sư cô hay cho quà vì chùa có trồng cây trái ..." Quang vừa đi vừa quay lại chờ, còn hơn ba tiếng nữa chú Hai mới đón cho nên tôi đi theo...
          Bây giờ tôi mới khám phá ra con hẽm rộng dẫn vào chùa thật đẹp, yên tĩnh và nên thơ ! Ngoài những cây gòn cao đầy trái ra , nhà nào cũng trồng hoa ven hàng rào, không bông bụp thì cũng hoa giấy, hoa cúc, có nhà trồng cả ớt và khổ qua....Chuồn chuồn và bướm bay từng đàn, đẹp nhất là bướm trắng, vàng hay quấn quýt nhau tìm hoa hút nhuỵ, chúng thường sà vào những chùm bông trang đỏ....! Tôi thích thú nhìn ngắm khiến Quang vừa đi vừa quay lại nhắc chừng...
          Sau một lúc theo chân Quang và các bạn đi loanh quanh trong chùa, Quang dắt tôi ra sân sau chỉ ngọn đồi cao có trồng chuối, mận và rau.... Thật là ngạc nhiên vì không ngờ ở ngay thành phố lại có đồi đất cao  như vậy trông rất thôn dã! Các sư cô rất quý học sinh đem chuối và trái cây ra cho... Nhưng từ lúc bước chân vào chùa, hình ảnh làm cho tôi chú ý nhất là cái chuông cổ được đặt bên tay trái sát gần cửa chánh điện, trước chuông là một người đàn bà mặc áo dài the đen lớn tuổi đang ngồi lần tràng hạt, đọc kinh rì rầm...Thỉnh thoàng bà lại dộng chuông nhè nhẹ, tiếng chuông trầm ấm ngân nga vừa phải làm xao động tâm hồn nhỏ bé của tôi và như một phản xạ tự nhiên, tôi đến chắp hai tay, ngồi xếp bằng sau lưng bà cụ lắng nghe tiếng đọc kinh nho nhỏ, nhìn bà lần chuỗi hạt và đánh chuông...!
          Bà cụ cảm nhận có người ngồi phía sau mình nên quay lại, tôi rất ngại ngùng vì sợ mình làm xao lãng thời kinh của bà, nhưng bà vui vẻ từ tốn nói bà nghỉ ngơi một chút rồi đọc tiếp, bà vô chùa công quả và thường xuyên đọc kinh trước chuông nầy từ lâu. Sau khi thăm hỏi bà dạy tôi niệm Phật trước khi đi ngủ và trong những lúc rảnh rỗi, câu tôi nhớ nhất và tâm nguyện nhất mà bà dạy tôi trong lúc ấy là "Xin cho con trí tuệ sáng suốt, học đâu nhớ đó, thi đâu đậu đó, luôn gặp điều lành, lánh xa điều dữ...." Lời nguyện cầu nầy tôi nhớ mãi và đọc hàng ngày....
***
          Chúng tôi cùng nhau quay về trường cũng theo con đường đã đi, các bạn vừa đi vừa giỡn nhìn chúng tôi lại hô to, vỗ tay từng chập "Ông vua Dậu, hoàng hậu Đường" thật vần điệu... Không hiểu sao cả đám dừng lại nói với nhau gì đó rồi lại hô tiếp " Hoàng tử Quang, công chúa Mai..." Thật là bất ngờ, Đường cười và nói các bạn trêu theo "thứ hạng trong lớp". Quang cũng như tôi thay nhau xếp hạng sau Đường và Dậu, tất cả các bạn đều vui cười rất hồn nhiên mà không chút ganh tị ....!!Lúc đó tôi biết mình đã thật sự được hoà nhập với "gia đình" của các bạn
           Trở lại sân trường vẫn chưa đến giờ tan học, Quang chạy vội ra xe kem rồi quay lại với bốn que kem trên tay, khi đưa cho tôi Quang dặn phải ăn nhanh kẽo nó chảy rồi chạy đi tìm Đường và Dậu, đang lúc vui các bạn nhìn thấy Quang cầm nhiều que kem lại vỗ tay la lên "Tạ Hầu Đôn, Tạ Hầu Đôn" Tên vị tướng ăn rất nhiều và cũng vì Quang họ Tạ !!....Một mình Quang có hai "chức danh"! Từ đó cho đến hè  năm lớp nhì trong những buổi nghỉ học tôi thường theo các bạn qua chùa, lần nào tôi cũng chắp tay ngồi sau lưng bà cụ mặc áo dài the, lắng nghe tiếng đọc kinh của bà xen lẫn tiếng chuông với thanh âm thanh thoát ngân nga cùng mùi hương của nhang trầm tạo cho tôi sự thành kính thân gần
          Bây giờ chúng tôi thân nhau hơn, buổi chiều khi chú Hai chở tôi về  chạy ngang qua cầu Trương minh Giảng, những lúc đó Quang chạy xe đạp song song, khi thấy tôi Quang thường giơ tay vẫy vẫy, Quang có nước da ngăm đen, tóc hơi hoe hoe nâu nhưng nét mặt luôn vui tươi, khi cười trông rất có duyên. Quang là người bạn trai dễ gần gủi và không hề e dè khi thấy ông Ba giới thiệu tôi là cháu... Câu đầu tiên Quang làm quen là "Nhỏ ơi, Nhỏ là cháu ông đốc hả?"  Quang luôn thân thiết với tôi, không bao giờ Quang để tôi lẻ loi một mình, lúc nào cũng vẫy tay gọi tôi dù đang tham gia trò chơi với các bạn
          Cuối năm lớp nhì buổi chiều ngày chia tay nghỉ hè, khi chú Hai xuống dốc cầu quẹo sang đường Kỳ Đồng lúc đi ngang nhà thờ Chúa Cứu Thế thì Quang cũng chạy xe đạp song song, đến con hẽm lớn trước khi rẻ vào, Quang quay lại đưa tay ngoắt tôi và gọi "Nhỏ ơi, nhà Quang trong hẽm nầy nè" rồi gò lưng chạy nhanh thỉnh thoảng quay lại cười !! Hình ảnh cuối mà tôi ghi nhớ là cái áo sơ mi trắng của Quang căng trong gió, mái tóc phất phơ hoe hoe màu nắng, Quang chạy một tay, một tay đưa cao vẫy vẫy....
          Sang năm lớp nhất chúng tôi học buổi sáng, chú Hai chân đau nên không chở tôi được và tôi đi xe taxi tháng với Dượng Tư, Dượng là chồng của chị Tư nấu bếp...Cô giáo sinh em bé trong hè, vì cô dạy giỏi cho nên chúng tôi lại tiếp tục học với cô, tôi rất mừng vì tôi thương quý cô. Cô là thần tượng thứ hai trong đời sau mẹ đã khiến tôi ngưỡng mộ và ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách của tôi sau nầy, cô dịu dàng và chưa bao giờ to tiếng với học sinh !!....Vì là năm thi và học buổi sáng cho nên chúng tôi ít có dịp trò chuyện hay qua chùa chơi, mãi cho đến sau nầy tôi cũng chưa biết chùa tên là gì chỉ nhớ chùa nằm sâu ở cuối con hẽm lớn....!
 ***
      Ông Ba hướng dẫn ba tôi làm đơn xin miễn tuổi cho tôi được thi thử vào Gia Long cho quen không khí trường thi, tôi không còn gặp lại các bạn nữa và hình ảnh ngôi chùa chỉ tồn tại trong ký ức....Ba mẹ chính thức chia tay nhau, nhà tôi cũng dọn đi nơi khác! Tôi học lớp đệ thất trường Kiến Thiết gần nhà mới, nhưng chỉ được nửa năm ba lại đổi ý buổi chiều cho tôi học thêm Toán để luyện thi vào Gia Long cũng ngay tại trường Kiến Thiết...
           Tôi đậu vào Gia Long nhưng khi đi học cũng không gặp lại một người bạn nào ở trường Trương Minh Giảng, mãi cho đến năm đệ tam tôi mới gặp lại Đường trong sân trường Gia Long, lúc đó Đường vào học Đệ tam sau khi  đậu bằng Trung học đệ nhất cấp ở trường ngoài. Thấy Đường ngại ngùng cho nên tôi không thăm hỏi về bạn cũ. Từ đó chưa bao giờ tôi gặp lại bạn bè nào khác trong "vương quốc" dễ thương của mình nữa, nơi mà tuổi thơ thần tiên có vua, hoàng hậu, hoàng tử và trong đó tôi được làm công chúa.....Tôi luôn nhớ ngôi chùa với hình ảnh người thầy khai sáng cho tôi biết niệm Phật và  âm thanh tiếng chuông chiều năm xưa!!
         Tuy trường không xa nhưng tôi ít đi lại con đường cũ,  ký ức thì không sao phai nhoà.... Ba và mẹ cũng lần lượt qua đời, lời khấn nguyện hằng đêm tôi không quên nhưng có điều lời khấn thay đổi theo tuổi tác, thời gian và những dâu bể của cuộc đời ! Tôi vẫn thờ phụng bức tượng Quán Thế Âm và tượng Di Lạc của mẹ ngày xưa....Trong lòng không nguôi quên lời sư thầy Nhật Tâm ở chùa Pháp Huệ có lần nói với tôi khi tôi thỉnh tượng Đức Thích Ca lên chùa nhờ Thầy khai quan điểm nhãn. Lúc đưa tôi ra cửa Thầy nói "Tượng đẹp quá con, nét lại sáng và trẻ..." Thầy nói tiếp "Mọi người ai cũng nói phụ nữ thì Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là mẹ đỡ đầu và hộ trì, nhưng đối với con lại khác, Đức Từ Phụ của con là Đức Thích Ca đó con !"...Lời Thầy nói thật nhẹ nhàng và giản dị nhưng bỗng dưng tôi thấy lòng tràn đầy cảm xúc
      Tết Nguyên Đán 2008, sau khi trải qua ca phẫu thuật thành công, tôi lại nhớ về ngôi trường xưa....Bây giờ gia đình đơn chiếc không còn bà con đông như trước cho nên tôi và cháu thường đi thập tự trong ba ngày đầu năm. Có một điều gì gợi nhớ và thôi thúc trong tâm, tôi nói với cháu năm nay mình về trường cũ, ghé ngôi chùa mà thuở bé thơ thường theo bạn qua chơi, xem tên chùa là gì và nhìn lại cái chuông cổ ngày xưa....
          Thật là bất ngờ ! Điều đầu tiên tôi nhìn thấy  ngay đầu con hẽm lớn vô chùa là tấm bảng thật to với cái tên " Chùa Thích Ca" !!Không kịp thấy ngôi trường cũ thay đổi như thế nào, tôi vội vã nói với cháu hãy đi thẳng vô chùa mong tìm lại những hình ảnh xưa....
***
           Tôi bước qua cổng tam quan với tâm trạng bồi hồi và xúc động! Cái chuông cổ vẫn còn đặt ngay chỗ cũ, chỉ tiếc là không còn hình ảnh bà cụ mặc áo dài the đen. Phía sau chùa vẫn còn ngọn đồi cao, bây giờ các sư cô đã cất lên một dãy nhà nhỏ. Chùa sạch sẽ khang trang và không còn trồng cây trái như trước. Cảnh vật vẫn còn đây nhưng người năm xưa thì hẳn đã về chốn khác ?
          Con hẽm lớn giờ trở thành con đường nội bộ, nhà cửa khang trang, hai bên đường không còn cây gòn và hàng rào trồng hoa... Tôi đã được nhìn ngắm lại trường xưa và ngôi chùa cũ, tuy không còn bạn bè thân quen nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp nhờ cái tên "Thích Ca" của ngôi chùa.Và bây giờ tôi mới hiểu lời Sư thầy Nhật Tâm nói đúng, tên chùa là tên Đấng từ phụ của tôi, người đã khai tâm cho tôi qua hình ảnh nhân từ hiền hậu của bà cụ mặc áo dài the đen ngồi trước chuông đọc kinh niệm Phật
           Người ta thường nói chuyện cổ tích thì không bao giờ có thật giữa đời thường, nhưng tôi đã được trải qua một tuổi thơ ngọt ngào, thần tiên đầy hạnh phúc như thế đó....Và đây chính là cổ tích ngày xưa của tôi, tôi đã có dủ tất cả những gì thật thơ mộng, không chỉ là vương quốc, vua quan mà chuyện cổ tích của tôi còn có những bà tiên dịu hiền đôn hậu. Chỉ tiếc rằng thời gian quá ngắn ngủi không trọn vẹn được hai năm học, nhưng đó là những hoài niệm đẹp nhất trong cuộc đời mà tôi không thể nào quên !!
NamMai- Phan thị Ngọc Diệp
(Thời thơ ấu)