Đạo Phật và Tôi

  Ngày 29/7/2016

Tiếng chuông khuya

Tiếng Chuông Khuya


Tiếng chuông xưa 
Chuông xưa không thanh thoát, 
Âm ba lại trầm buồn... 
Nhưng ngân dài nhắc nhở, 
Một thời thương nhớ thương !! 

NM
Tiếng chuông khuya
           Ba tôi bệnh rất nhiều, mẹ và cậu ba đã cố gắng đưa ba đi trị bệnh khắp nơi, từ thuốc tây cho đến thuốc ta ! Càng ngày ba tôi càng gầy ốm, bác sĩ nói ba bị thương hàn lại bệnh lâu không ăn được như bình thường nữa, chỉ húp nước soup và nước gạo lức rang vàng mà thôi !
          Phòng của ba mẹ và phòng khách được ngăn bằng tấm vách tường, nhà tôi rộng bề ngang cho nên phòng khách chia hai, sát tường bên tay phải là cái divan gỗ xưa, divan nầy và cái đồng hồ cổ là hai vật kỷ niệm "dằn tâm" của người chủ trước căn nhà đã tặng lại cho ba mẹ tôi .  
          Chiếc divan được dặt sát tường kế bên cửa sổ nhỏ nhìn qua sân nhà ông Mười, hai chị em tôi ngủ trên divan nầy. Cách divan một khoảng rộng hơn một chiếc chiếu là bộ salon bằng mây có lót nệm đỏ. 
         Giữa bức tường trên cao ba có làm một khung hình bán nguyệt, phía sau khung bán nguyệt có thờ hình Phật Quan Âm in trên giấy carton dầy lộng trong cái khung kính mạ vàng. Đây là hình Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, tay phải có bế một em bé trai còn rất nhỏ, tay trái cầm nhành dương liễu, quỳ dưới chân bà cũng là một bé trai lớn hơn bé trai kia tay cầm vòng càn khôn
          Khi mới dọn về nhà nầy ba mẹ qua chùa Phật Bửu Tự thỉnh tranh Phật về thờ cùng với bài vị Thần tài và ông Táo, hàng ngày khi thì mẹ khi thì ba hay cậu đốt nhan và cúng trái cây ngày rằm hoặc mồng một. Từ khi ba bệnh nhiều, ngoài người thân trong gia đình thì có hàng xóm tới thăm, trong số đó có bà Tư đầu xóm lớn tuổi nhất, bà khuyên mẹ qua chùa quy y và thỉnh kinh về đọc cho ba, mong ba có thể được Trời Phật gia hộ mau chóng khỏi bệnh  
         Ba bệnh nhiều nên  mỗi một lần người lớn hoặc chị em tôi có việc phải đi ngang qua cửa buồng của ba thì ba thường nhíu mặt, đi khẻ cách mấy ba cũng nghe và khó chịu trong người, cho nên mẹ hay chắc lưỡi ngó làm chúng tôi càng sợ, không dám nhìn và thật ra người lớn cũng không cho con nít vô sợ truyền nhiễm           
          Ba cứ nằm như vậy mà không thuyên giảm, thế là mẹ nghe theo lời bà Tư qua chùa Phật Bửu Tự chính thức quy y, mặc dù những rằm lớm mẹ cũng dắt hai chị em tôi qua chùa lễ Phật, ba mẹ con cũng lạy sám hối như Phật tử của chùa, có điều là vì hãy còn nhỏ nên chị em tôi giữa chừng thì thiu thiu ngủ ! Những năm tháng nầy Phật tử không mặc quần áo xám hay áo tràng như bây giờ, bà Tư và mẹ chỉ mặc nguyên bộ bà ba tay dài khi thì màu trắng lúc áo hoa nhỏ màu nhu ...
        Sư ông trụ trì khuyên mẹ thỉnh kinh Pháp Hoa, kinh Nhật tụng, kinh Sám hối. Đêm đêm yên tĩnh mẹ ngồi xếp bng trước bàn thtụng kinh cầu nguyện cho ba. Nghe theo lời mẹ dẫn giải, ban đầu trước khi đi ngủ hai chị em tôi cùng ngồi sau lưng mẹ, cũng đứng lên, quỳ xuống giống mẹ, vì hãy còn con nít cho nên em tôi ngủ hồi nào không hay, còn tôi tuy buồn ngủ nhưng cũng ráng ngồi....Sau nầy mẹ không bắt chúng tôi quỳ sau lưng mẹ nữa, mẹ cho chị em đi ngủ sớm, tuy nằm trong mùng nhưng chúng tôi vẫn nhìn rõ mẹ trong bộ bà ba lụa trắng quỳ trước bàn thờ đọc kinh cho ba. Em tôi ngủ nhanh vì tiếng kinh nho nhỏ êm tai, riêng tôi không hiểu sao hay vạch mùng ló đầu nhìn mẹ đọc kinh
           Nhìn mẹ rồi nhìn hình Phật Quan Âm cũng trong xiêm y lụa trắng, tôi thấy sao mẹ giống Phật vô cùng, tiếng mẹ đọc kinh nhỏ đều, thỉnh thoảng điểm tiếng chuông đánh khẻ ngân nga, thêm vào đó mùi nhan trầm lan toả xen với mùi hoa dạ lý hương nở về đêm làm tôi cảm thấy dễ chịu, một niềm an ổn vô biên thật nhẹ nhàng nhưng ấm áp lan toả, tôi không muốn ngủ dù rất buồn ngủ... 
         Mẹ chỉ đánh chuông mà không gỏ mõ, tiếng mõ tuy không lớn nhưng ba không chịu được, một điều lạ lùng là mỗi tiếng động nhỏ hay tiếng chân đi thật khẻ cũng làm ba khó chịu chắc lưỡi, nhưng mỗi đêm tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông điểm nhẹ ba lại ngủ yên giấc hơn ! 
         Bỗng nhiên ba không húp cháo hay soup nữa, mọi người thật sự lo lắng, bà Tư an ủi khuyên mẹ cứ nhẫn nại đọc kinh cứu khổ cứu nạn cho ba....Tuy còn rất nhỏ, nhưng tôi thấy thương mẹ vô cùng, ba bệnh không đi làm được, lương của ba không đủ cho chi phí thuốc men, ban ngày mẹ phải làm sổ sách hụi hàng, mẹ còn theo bà Tư hướng dẫn mua bán cẩm thạch và hột xoàn thêm mới đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Tối về, sau khi xong mọi việc thì mẹ lại lo kinh kệ cầu nguyện cho ba ! 
         Có một đêm ba trở bệnh nặng hơn, mẹ dắt hai chị em vô phòng thăm ba, nghe tiếng mẹ gọi, ba chỉ mở mắt lờ đờ nhìn rồi lại nhắm mắt hình như khó chịu trong người, mẹ lại dắt hai chị em đi ra, lần đó tôi thoáng thấy mẹ và cậu khóc ! Ba ra dấu than lạnh, cậu ba lấy khăn hơ trên than nóng đắp lên trán, trên tay và chân cho ba, nước mắt cậu rơi trên than nghe xèo xèo ! 
         Rồi mẹ cố gắng đọc kinh, tiếng mẹ đọc nhỏ nhưng không đều đều như trước mà thỉnh thoảng ngắt quảng, chắc mẹ khóc âm thầm như cậu! Đêm đó mẹ đọc khuya thật khuya, mẹ ra dấu kêu tôi ngủ không cho ló đầu ra ngoài mùng nữa! 
        ....Thức hơi khuya, cho nên buổi sáng hai chị em tôi dậy muộn, nắng rọi từ cửa sổ phòng khách xuyên qua mùng làm chị em tôi tỉnh giấc, cũng ngạc nhiên vì không ai đánh thức. Trong phòng ba có tiếng nói của mẹ và cậu cùng vài người hàng xóm, mọi người nói chuyện bình thường không khe khẻ như trước! Một việc khác thường chưa từng có trong thời gian ba bệnh nặng, lúc trước ai đến cũng đi thật khẻ, nói thật nhỏ, vô thăm ba xong đi ra phòng ngoài mới dám nói chuyện với mẹ 
        Tò mò không giữ ý nữa, tôi và em gái chạy vào phòng xem sao thì thấy ba đã mở mắt, mặt ba tỉnh táo và sinh động hơn, ba không khó chịu khi có đông người....Theo lời ba kể lại sau nầy, đêm đó ba thấy mệt mõi vô cùng, người bứt rứt nặng nề mà không mở miệng nói được, tuy nhiên ba vẫn nghe tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông gỏ nhẹ bên tai.....Ba nghĩ rằng có lẻ ba sẽ không qua khỏi cơn bệnh nầy, ba nói đột nhiên ba chảy nước mắt, lúc ấy ba bỗng thấy có một bà rất đẹp như bà tiên mặc bộ đồ lụa trắng dài đứng bên giường cúi nhìn ba và nói với ba là mệt lắm phải không con, bây giờ cố gượng nhổm cái lưng lên bà sẽ bế con xê qua phía bên kia con sẽ đở mệt !!
         Như có một sức mạnh huyền bí nào đó tự nhiên ba nghe theo cố gồng cho lưng mình cong lên và bà đó lòn hai cánh tay xuống dưới lưng ba đưa ba qua phía bên kia giường, lúc đó ba nói người ba như có luồng gió mát thật nhẹ nhàng, ba cảm thấy như mình qua một giấc ngủ dài, không nóng nảy, không nặng nề và tỉnh lại thật bình thường !! 
        Mọi người đều mừng và chúc ba sớm bình phúc, ba cảm thấy đói bụng đòi ăn cháo !! Và từ từ sau hôm đó ba khoẻ lại, ba ngồi lên được và cậu ba dìu ba đi chầm chậm trong nhà ....Mọi người đều nói đó là nhờ công đức của mẹ đã hết lòng trì tụng cầu nguyện cho ba 
        Ngày ba khoẻ lại hẳn, bà ngoại ở Bạc Liêu lên, bà con bên ngoại ở Xóm Củi, bà con bên nội ở Tân Định đều ghé thăm, nghe mẹ kể lại câu chuyện nằm mơ của ba ai cũng tin đó là Phật Quan Âm chứng cho lòng thành của mẹ, em gái tôi ngây thơ hỏi ba như vậy bà đó  ẵm ba thiệt hả ba, sao bà ẵm ba nỗi, sao con thấy ba vẫn nằm chỗ nầy mà ? 
         Câu hỏi ngây thơ của em làm mọi người ai cũng cười, tôi thấy ba nhìn lên bàn thờ và nói "Nét mặt của bà đêm hôm đó cũng hiền từ nhân hậu như hình Phật Bà trên trang...!" 
       Ông nội vừa qua đời xong thì tới ba tôi bệnh....Giờ đã qua hết rồi "tang khó", bà con chúc ba mẹ sẽ có hai em trai khôi ngô tuấn tú như hình hai em bé trong hình thờ Phật...
***
          Mẹ và ba tôi lần lượt qua đời hơn 30 năm, không gia sản để lại cho con, cái còn lại duy nhất là cái chuông ngày xưa, tấm hình Phật Quan Âm cùng hai bé trai cũng mục nát, kệ khung thờ bằng gỗ bị mối ăn, sau nầy mẹ thỉnh lại tượng bằng gốm, Tiếng của chuông không còn trong và ngân nga như xưa, nhiều lần đi chùa nghe tiếng chuông mới tuy nhỏ nhưng ngân vang, tôi có ý muốn thỉnh cái chuông khác....Nhưng tôi lại chạnh lòng, đây là cái chuông duy nhất còn sót lại của căn nhà bé thơ năm xưa sau nhà lầu năm tầng, đây cũng là di vật của mẹ cha để lại, kỷ niệm một thời hạnh phúc đầm ấm lúc còn ba mẹ cùng hai chị em tôi khi chưa có hai em trai
          Và tôi lại đổi ý, đây là chuông của kỷ niệm nghĩa mẹ tình cha, tiếng chuông linh ứng hoà với tiếng đọc kinh của mẹ đã đưa ba vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, tiếng chuông đánh động lòng từ bi của Đức Phật, cho nên dù chuông có rè không ngân nga, không sáng bóng như xưa nhưng đó là một báu vật mà tôi cần phải luôn gìn giữ !!  
Nam Mai - Phan thị Ngọc Diệp  
ạo Phật và Tôi )
*****

Nguyện cầu
Một lần gặp nội trong mơ,
Là lần con thấy bất ngờ trong tâm...!
Nội ơi con đã âm thầm,
Cúi đầu khấn nguyện Quán Âm độ trì.
Với lòng độ lượng Từ bi,
Xin người dìu dắt cứu người trầm luân.
Nội không tham ái, hận sân,
Một đời đạo đức nghĩa ân tràn đầy..
Lẻ nào số kiếp trả vay !?
Lâm vào khổ nạn mong ngày thoát thân !
Với lòng thành kính tri ân,
Đọc kinh đội sớ bao lần thiết tha...
Mong sao nội sớm "về nhà",
Dạo miền cực lạc chan hoà an vui.
NM
Đâu chỉ là một giấc mơ ?!
            Bỗng dưng tôi có cảm giác như mình đang đi lạc vào một nơi mà không gian thật là hoàn toàn xa lạ....Ngay cả con đường đang đi trước mặt cũng khác so với những con đường mà tôi đã từng đi qua ! Mặt đường sạch bong trơ trụi và có một màu xám nhạt không giống như màu con đường trải nhựa bình thường. Chung quanh tôi hoàn toàn vắng lặng không một tiếng động, không cỏ cây hoa lá và chỉ có một mình tôi đang lầm lũi cất bước, cả không gian mang một ánh sáng vàng cho biết đây là buổi tối, một thứ  ánh sáng vàng bao trùm tất cả, soi rọi con đường tôi đang đi, nhưng tôi tuyệt nhiên không thấy một cột đèn nào. Ánh sáng vàng không tăm tối như ánh đèn dầu nhưng nó sáng trắng giúp tôi thấy rõ mọi cảnh vật chung quanh mình
            Trước mắt tôi con đường dường như càng lúc càng dài thêm, dọc hai bên đường là những cuộn sương lớn dày trắng, những cuộn sương như khói bay bay cuồn cuộn nhẹ nhàng liên tục chạy suốt hai bên dường và lan ra cả mặt đường khiến con đường dường như nhỏ lại chỉ còn khoảng gần hai mét đủ cho một người đang rảo bước như tôi....! Hoàn toàn im lặng và không có một ai, nhưng tôi có cảm tưởng mình không cô độc trên con đường đang đi, tôi có cảm giác ở hai bên đường và sau những làn khói sương đó vẫn còn có nhà ai đang thức trong đêm. Tôi ngại ngùng bỡ ngỡ khi nhìn vào làn khói sương kia và cố gắng đi tiếp để hi vọng sẽ thấy một căn nhà nào đó xuất hiện bên đường hay ít ra là cuối con đường trước mặt, trong lòng tôi bắt đầu lo lắng với cảnh tượng lạ lùng nầy !
***
            May mắn đúng như tôi dự đoán, tôi chợt nhận ra từ xa có một căn nhà bên tay trái, một căn nhà cũng lạ kỳ không kém con đường, một căn nhà nhỏ có mái tròn, ở xa trông nó như một quả chuông úp xuống đất, nhà nhỏ chỉ có duy nhất một cửa ra vào cũng nhỏ, tuyệt nhiên không có một cửa sổ nào cả, cánh cửa nhà cũng đóng kín, ánh đèn vàng vọt hắt qua ô cửa vuông có song sắt phía trên cánh cửa duy nhất đó. Đứng hai bên cửa là hai người đàn ông tay cầm vũ khí, một người cầm chỉa ba, một người cầm giáo nhọn, hai người như hai pho tượng lặng ngắt. Tôi cố gắng lại gần để hỏi thăm, nhưng không hiểu sao tôi không thể nhìn thấy gương mặt của hai người nầy, tôi chỉ có thể nhìn thấy thân hình của họ và chỉ thế thôi !... Vì thế tôi cố nhìn xem căn nhà có cửa sổ nào nữa không để có thể nhìn vào tìm người hỏi thăm. Tôi bắt đầu thất vọng và hơi sợ hãi giữa không gian lạ thường nầy, cái ô vuông nhỏ có song sắt thì lại nằm trên cánh cửa ra vào quá cao so với đầu người, tôi chỉ biết ước gì mình được nhìn vào trong nhà qua ô cửa đó....!
            Ước muốn tưởng chừng như vô lý thế mà tức khắc thành sự thật, tôi đã nhìn thấy bên trong căn nhà tròn kín mít đó có một người hãy còn thức, một người rất quen thuộc, đó là bóng dáng thân thương của bà nội tôi, nội vẫn mặc cái áo bà ba lụa ngắn tay có hoa nhỏ màu xám, nội đang đứng vịn bàn tay mặt vào tường như những lần còn ở nhà Tân Định nội vẫn thường ra cổng vịn tay vào vách trông ngóng cha con tôi....Nét mặt của nội thật buồn bã đăm chiêu nhìn ra cánh cửa đang đóng kín kia như mong ngóng. như trông chờ...!! Tôi muốn kêu nội nhưng không thể cất tiếng được và tôi đã khóc....!!
       ......Tiếng chuông điểm nhẹ của bà chủ nhà sau thời kinh nhật tụng và mùi hương trầm của nhang trong không gian tĩnh lặng của buổi sáng sớm đã làm tôi tỉnh giấc. Tâm trí tôi vẫn còn hoang mang và nhớ như in cảnh tượng mà tôi nhìn thấy trong giấc chiêm bao, bây giờ tôi mới biết tôi đã mơ một giấc mơ dài không vui...! Nước mắt vẫn còn đọng lại trên má chứng tỏ là cơn mơ đó thật sự làm cho tôi bàng hoàng xúc động!
            Trên đường đi đến trường và trong những phút giây rảnh rổi giữa bốn tiết dạy học tôi luôn nhớ và thắc mắc về giấc mơ lạ lùng nầy. Lúc ấy còn trẻ tôi chưa thấu hiểu nhiều về Phật pháp, nhưng những diễn biến trong chiêm bao và hình ảnh đau khổ bị giam cầm của nội khiến tôi lo lắng, tôi chợt nhớ đến Kinh Vu Lan, nhớ đến sự tích Đức Mục Liền Liên cứu mẹ....Tôi chưa biết mình cần phải làm gì,  cuối cùng tôi quyết định về Sài gòn thăm nhà và kể cho ba tôi nghe điều kỳ lạ của giấc mơ đêm qua !
***
         Cũng như những lần về thăm nhà trước, tôi chọn chuyến xe "tài nhì", đó là khoảng thời gian tương đối an toàn vào thời chiến tranh. Nếu không có đấp mô hay kẹt phà là tôi có thể về đến nhà buổi trưa, và nếu như có trở ngại thì nhờ những chuyến xe đi từ Cần Thơ xuống Bạc Liêu cho biết tôi có thể quay trở lại và đi vào ngày khác. Thời chiến tranh lại không có điện thoại cho nên chỉ biết trông chờ tin tức vào những chuyến xe đi về. Ngoại và cậu lo lắng thường khuyên tôi khi lên xe không nên ngồi phía trước gần tài xế cũng như tránh ngồi ngoài bìa cạnh cửa sổ, nhưng tôi vẫn chọn ngồi bìa bên trái của xe, có lẻ do thói quen và nhờ ngồi bìa cạnh cửa sổ tôi có thể ngắm nhìn phong cảnh bên đường.....
           Chiếc xe lắc lư và không chạy nhanh được dù tài xế thuộc nằm lòng con đường mà hàng ngày họ phải hai lần đi lại. Thỉnh thoảng xe vẫn có những cơn dằn xốc nặng nề làm cho hành khách có thể va đầu vào ghế trước hay ngả nghiêng hai bên, nhưng họ chỉ mở đôi mắt ngáy ngủ càu nhàu nho nhỏ rồi lại nhắm mắt tiếp ....Đoạn đường từ Bạc Liêu lên Sóc Trăng trong đêm thường tài xế không bật đèn bên trong xe vì sợ làm tầm ngắm bắn tỉa....Bóng tối làm người ta dễ ngủ và quên đi mọi lo lắng trước mặt, nhưng chính nhờ bóng tối trong xe  làm cho tôi nhìn rõ hơn bóng đêm ngoài kia !!
           Ngoài việc suy nghĩ về giấc mơ trong đêm vừa qua tôi lại nghĩ đến lời cô học trò khá thân thiết cho biết trong buổi dạy sáng hôm sau khi tan lớp. Em ngại ngùng tiến đến gần bàn trong khi tôi thu xếp sách vở, em hỏi có phải ngày mai cô về thăm nhà không, khi tôi xác nhận có thì em lại nói xin cô dời lại tháng sau về luôn.... Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên em nói thứ nhất lớp em học với cô 2 năm đây là năm chót lớp 12 tụi em muốn được đi chơi với cô trước khi chia tay. Còn điều thứ hai em dè dặt một lúc mới nói ra, em cho biết sang năm học mới "trong sổ bìa đen của Ty Giáo dục Bạc Liêu" cô sẽ "được" đưa lên làm Hiệu trưởng trong quận xa của vùng xôi đậu "...!! Ban ngày quốc gia ban đêm cộng sản, em nhỏ giọng " Còn nữa cô ơi không chừng hè năm nay sẽ có thay đổi lớn không còn chính thể Cộng hoà nữa đâu.!!."..
          Tin nầy dã làm cho tôi hơi sửng sốt trong giây lát, em thuyết phục tôi ở lại tháng tư hãy về luôn, em biết tôi không thể chấp nhận việc "bị" lên chức nầy, dù đúng ra tôi phải hãnh diện vì tôi sẽ là nữ hiệu trưởng đầu tiên mới 25 tuổi ở đất Bạc Liêu !....Tôi cám ơn em đã cho tôi biết những thông tin quý báu, em là cô học trò thuỳ mị và điềm đạm nhất, lời em nói không thể không tin và như thế lại khiến tôi càng phải về Sài gòn ngay...

***
          May mắn chiếc ghế bên cạnh chỗ tôi ngồi vẫn còn trống, tôi có thể đẩy kiếng cửa xe qua một bên và nhìn cảnh vật bên đường, tôi muốn lần nầy mình sẽ nhìn ngắm, đón nghe tất cả những âm thanh cùng với hương đồng cỏ nội ở quê ngoại thật rõ ràng để khắc ghi trong lòng vì chắc chắn rằng với những sự việc sắp xảy đến khiến tôi bắt buộc phải rời khỏi Bạc Liêu và cũng không biết ngày nào trở lại ?!
          Bây giở là cuối tháng ba dương lịch, tiết xuân hãy còn cộng với không khí mát lạnh trong đêm khuya làm trăng càng thêm sáng tỏ dù là ban đêm. Ánh trăng rằm soi sáng khắp mọi nơi, trước mắt tôi là một cảnh tượng đẹp không ngờ, mảng sương mù trắng như bông và  không dày lắm, đặc biệt lớp sương mù cách mặt đất chừng hơn một mét, sương trải dài như lớp bông gòn mỏng la đà trên ngọn lúa cao, sương bao trùm trên ao nhỏ và cũng với độ cao như thế giúp ta có thể nhìn thấy những đám lục bình đang nở hoa bên dưới....Lục bình trong ao hoa nhỏ hơn lục bình trôi dạt trên sông nhưng tụ họp thành từng đám đầy hoa rập rình xô dạt trong ao, màu tím của hoa và màu xanh của lá chập chờn theo sóng gợn ao hồ dưới mảng sương mù trắng nhẹ tôi làm cho tôi thật bất ngờ trước cảnh dẹp huyền ảo nầy....
          Phía sau ao là những gian  nhà mái tranh vách đất, hôm nay là ngày nước lên vì thế ngoài sân nhà đa số ngập nước, những cái lu ngả nghiêng chênh vênh bên hông nhà cộng với ánh đèn dầu vàng hắt ra từ liếp cửa khép hờ, xe chạy chầm chậm qua những ổ gà khiến  ta có thể nhìn thấy một phần bên trong căn nhà chỉ vỏn vẹn cái bàn và quần áo đen của nhà nông móc trên vách, giờ nầy hẳn chủ nhân say ngủ qua một ngày vất vã ! Tất cả quang cảnh trước mắt tạo thành một bức tranh thuỷ mạc dưới ánh trăng thật đẹp !! Tôi chợt nhớ và so sánh với giấc mơ đêm trước....Cảnh vật ở đây tuy đơn sơ nhưng vẫn có sức sống, tiếng ếch nhái, tiếng dế  rỉ rả lẫn tiếng chim cu gù trong sân nhà ai tạo thành khúc nhạc đồng quê êm đềm rộn rã......
          Xe dừng lại tại một trạm kiểm soát lưu động, ngoài tiếng chim trời bay qua tôi còn nghe trong đám bình bát bên đường những tiếng "cuốc cuốc.." Thật là ngạc nhiên ! Từ lâu tuy đọc và giảng bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan cho học sinh nhiều lần, nhưng thực tế tôi chưa bao giờ nghe được tiếng chim quốc! Dù mơ hồ cảm nhận nhưng tôi biết đó là tiếng chim quốc, tiếng chim kêu không lớn nhưng âm thanh thật khắc khoải, những tiếng "cuốc cuốc" liên tục cách khoảng nhau đều đặn !! Thật là nao lòng và xúc động khiến tôi chợt nghĩ đến tương lai trước mắt, nhất là câu nói "...Tháng tư nầy có thể sẽ không còn chính thể Cộng hoà nữa" Một sự trùng hợp lạ lùng, nhưng cũng đành chịu nếu như sự việc xảy ra, tôi cũng như mọi người dân bình thường khác luôn mong ước chiến tranh chấm dứt, thế nhưng tiếng chim quốc nghe sao buồn quá ? Phải chăng đây là một điềm báo không vui....?! Và trong tôi ít nhiều đã cảm thông được niềm ưu tư lẫn cô đơn của tác giả Bà Huyện Thanh Quan, người mang nỗi đau mất nước ngay chính tại quê hương mình !!...
***
          Không bị đấp mô và không kẹt phà, tôi về đến nhà gần trưa, ba thấy tôi  rất ngạc nhiên vì ba vừa nhận được thư báo tin tháng nầy tôi sẽ không về mới ngày hôm qua,..bức thư hơn một tuần mới tới ! Trong bửa cơm trưa tôi kể vắn tắt cho ba nghe giấc mơ về nội, ba rất ngạc nhiên và thản thốt, ba nói sáng nay bác Ba vừa gọi điện thoại cho hay chị Sáu Trinh là con gái bác Hai ở bên Mỹ vừa gọi điện về, chị khóc cho biết chị ngồi Thiền thấy bà nội bị giam cầm rất tội nghiệp, chị năn nỉ gia đình bên nầy cúng và rước thầy cầu siêu cho nội. Bác Ba hồ nghi và không tin lời chị vì nội tôi vốn là một phụ nữ hiền lành đạo đức chỉ biết lo cho gia đình, nội rất siêng năng cúng kiến, con cháu của nội đều thành đạt thì không thể nào nội lại bị giam cầm như vậy !....
          Buổi chiều đi làm về ba vui vẻ cho hay ba có gọi điện thoại  kể cho bác Ba nghe những gì tôi thấy về nội, thật bất ngờ giấc mơ của tôi đã làm cho ba và các bác tin tưởng. Ba nói chiều hôm sau tan sở về ăn cơm xong ba và bác Hai sẽ qua nhà bác Ba cầu siêu và đội sớ cho nội, nội được chôn cất trong đất của Hội Phật học chùa Xá Lợi cho nên bác gái đã mời thầy ở chùa Xá Lợi đến nhà cúng...
          Tôi vẫn chưa nói cho ba tôi nghe những rắc rối mà tôi gặp phải ở trường, niên học thứ hai nầy ngoại đã dọn về Sóc Trăng, người thân quen cũng xa rồi, tuy chủ nhà trọ đối với tôi rất tốt vì bà là hàng xóm từng được ngoại giúp đỡ, học sinh luôn chân tình gần gủi, các em là động lực trong những ngày tháng tôi còn ở lại Bạc Liêu một mình...Nhưng bây giờ thì không còn gì để tôi lưu luyến nơi đây nữa, tôi cần tiếp tục tranh đấu cho tương lai trước mắt, bù lại gia đình sẽ không còn lo lắng khi thấy tôi hàng tháng phải đi về thăm nhà trên con đường đầy bất trắc !!
***
           Trở lại Bạc Liêu vừa soạn bài thi cho các em, vừa thu xếp đồ đạc sách vỡ để trở về nhà, với bao lo toan một mình nhiều lúc tôi mệt mõi và đôi khi ước gì mình không tin lời cô học trò tốt bụng kia nhưng tôi cảm nhận được lời của em không phải là không đúng... ! Tôi lại mơ thấy mình đang ở Sài gòn và qua Tân Định thăm nội như lúc nội còn sống. Khi đến nhà nội, nhìn căn nhà trống trải khác xưa, vẫn ánh sáng vàng nhưng khác với ánh sáng trong giấc mơ của tôi ...Nội đang lần bước vịn vách tường đi sang nhà kế bên, đó là căn nhà ngày trước gia đình bác Hai ở, tôi nhìn vào thì thấy trong nhà có một bà cụ mặc bộ đồ lụa đen hơi mập mạp, căn nhà cũng không có đồ đạc gì cả nhưng cũng có một thứ ánh sáng vàng của ánh đèn dầu....Và rồi tôi cũng tỉnh lại sau khi nghe tiếng chuông và mùi hương nhan trầm của bà chủ nhà...!! Lần mơ nầy tôi không khóc nhưng lúc thức giấc lòng nặng trĩu bâng khuâng xen lẫn xúc động khi thấy nội đang ở nhà mình...
            Tôi về nhà trong những ngày cuối tháng tư giao động, ba tôi rất mừng vì ba không cần phải lo lắng khi tôi chỉ còn lại một mình ở Bạc Liêu mà không có ai thân thích trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Tôi chưa cho ba biết tôi sẽ về luôn mà chỉ kể lại lời cô học trò báo trước về sự thay đổi chính thể trong tháng tư nầy....Tôi nói với ba sự chính chắn điềm đạm của em khiến tôi cảm nhận điều nầy có thể thành sự thật... Bất chợt ba hỏi tôi có còn chiêm bao thấy gì về nội không? Sau khi lắng nghe tôi kể xong về giấc mơ thứ hai, ba tôi không khỏi xúc động vì bất ngờ, ba nói vừa qua chị Sáu Trinh có điện về vui vẻ báo tin chị ngồi Thiền thấy bà nội không còn bị giam cầm nữa...!
          Tôi cũng không quên nhắc đến hình bóng của bà cụ mập mạp mặc bộ đồ màu đen ở bên cạnh nhà nội, ba tỏ vẻ thú vị và sửng sốt về sự trùng hợp linh ứng nầy, ba nói có lẻ đó là bà Tư, mẹ của bác Ba gái, bà Tư lúc sinh tiền hay mặc nguyên bộ đồ bà ba bằng lụa màu đen ! Ba cho biết nhân lễ cầu siêu cho nội, bác Ba gái cũng xin cầu siêu cho mẹ là bà Tư, như vậy cả nội và bà Tư đều đã được về nhà !!....   
        ***
           Và rồi lời báo trước của cô học trò lớp 12 đã thành sự thật...!! Hai căn nhà của nội và bà Tư đều thuộc về người khác và tôi cũng không còn mơ thấy nội nữa. Những sự việc xảy ra dồn dập trong mùa hè 75 vẫn còn vương vấn mãi trong tôi, có lẻ đây chỉ là căn nhà tạm của nội trên thế gian vô thường nầy và giờ đây nội đã thật sự trở về cõi vĩnh hằng sau những ngày ngắn ngủi quay về thăm lại ngôi nhà xưa mà ngày nay không còn thuộc về gia đình mình nữa.
          Sau nầy mỗi khi nhắc lại câu chuyện trên, ba tôi luôn thắc mắc về sự trùng hợp giữa việc ngồi Thiền của chị Sáu Trinh và hai giấc mơ của tôi, ba thường hãnh diện xác nhận chính nhờ lời kể lại của tôi mà mọi người đã hết lòng cầu siêu cho nội và bà Tư, tôi là "điểm sáng" trong số mười bảy đứa cháu gái của nội...!! Ba luôn nói với giọng xúc động khi nhắc lại lúc ba anh em, cả ba mái đầu đều bạc đã quỳ gối đội sớ đọc kinh cầu siêu cho nội mỗi chiều tối....Một hình ảnh thật cảm động vì lâu rồi ba anh em mới ngồi chung với nhau cùng  thành tâm hướng về mẹ !! Và lúc nào ba cũng kết luận như vậy thì tất cả những gì tôi thấy trong hai lần chiêm bao đâu chỉ đơn thuần là một giấc mơ ?!
NM - Phan thị Ngọc Diệp
(Đạo Phật và tôi)
 *******

  Album Hòa tấu Guitar  Một cõi đi về 

Thương Đời Hoa

Những Kiếp Hoa Xuân

Sắc màu phù dung
Ba sắc màu hoa, một kiếp hoa !
  Bình minh nở trắng thật kiêu sa...
  Trưa hồng tươi nhuận như thanh nữ
Hoàng hôn đỏ thắm ánh chiều tà !
Sớm nở tối tàn thân cô lẻ,
  Thương đời phô sắc trọn kiếp hoa...
   Có ai thấu hiểu tình hoa đẹp ? 
   Hay chỉ yêu hoa vẻ mặn mà ?! 
NM
Hoa Phù Dung ngày ấy !...
       Mẹ tôi mất lúc bà mới 48 tuổi ! Mẹ mất vì căn bệnh ung thư gan, ai cũng nói mẹ còn quá trẻ, nhưng khi quàn mẹ trong chùa Xá Lợi thì sư cô trong chùa Hưng Long lại nói với tôi mẹ có con sớm vì thế cộng tuổi con cái lại tất cả 5 đứa thì mẹ được xem như " hưởng thọ" rồi .
        Đêm cuối ở chùa, sư cô ngủ lại với chị em tôi để sáng sớm tụng kinh cúng đưa mẹ đi, bà kể lại mối thân tình giữa bà và mẹ, về những kỷ niệm xưa....cuối cùng bà nói về nguyên nhân bà xuất gia, hoàn tục rồi lại trở vào chùa lúc chồng mất đi để lại cho bà năm người con trai, mỗi người đều có một cái tật, người chột mắt, người câm, người chân thấp chân cao....! Bà nói đó là quả báu của vợ chồng bà, cộng với nghiệp quả kiếp trước của các con cho nên bây giờ bà cho các con xuất gia, cả năm người con bây giờ cùng tu với mẹ, căn nhà trở thành ngôi chùa, sáu mẹ con tu và nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi !!....
        Cuối cùng trước khi giục chị em tôi đi ngủ bà thở dài lẩm bẩm : "Đời người như đoá phù dung, sớm nở tối tàn !". Không biết bà nói cho tâm sự của bà hay cho cuộc đời của mẹ ?!
***
        Câu nói đó cứ lởn vởn trong đầu tôi, đám tang mẹ xong tôi thắc mắc hỏi ba, vì ba luôn là quyển tự điển sống, bất cứ cái gì ba cũng biết và giải thích thật rõ ràng, ba lại rành về cây cảnh, hay kể cho chị em tôi nghe về khu vườn ngày xưa của ông bà nội, có lẻ giống ba tôi thích cây cảnh và hay trồng hoa, căn nhà tôi ở hiện tại chỉ có cái sân nhỏ xíu vậy mà tôi tận dụng thành lan can trồng đủ thứ loại cây, mỗi thứ một chậu.....! Tôi kể ba nghe về lời sư cô nói và hỏi ba hoa phù dung ra sao, ba tôi cho biết hoa rất đẹp và có từng chùm, hoa có thể to như cái chén ăn cơm, giống như hình dáng bông bụp tây, mùi hương nhẹ và thoang thoảng nhưng đặc điểm của hoa là màu sắc thay đổi, sáng tinh mơ hoa nở ra có màu trắng tinh khôi, giữa trưa hoa có sắc hồng tươi thắm và tàn vào buổi chiều, trước khi hoa tàn hoa lại có mầu hồng đỏ thẫm !! Cả ba sắc hoa đều đẹp, ba nói vì sáng nở tối tàn lại thay đổi sắc màu như vậy cho nên ngày xưa nhà có con gái không ai trồng hoa nầy, người ta  chỉ trồng hoa phù dung nơi chùa chiền ....Rồi ba lại nói khi nào có dịp ba sẽ chỉ cho tôi xem....Nhưng tôi vẫn chưa bao giờ  nhìn được loài hoa thay sắc đổi màu lạ lùng nầy....
        Sau đám tang mẹ gần 1 năm thì em trai lớn của tôi có bạn gái, em là người mà mẹ thương nhất, có lẻ sự ra đi của mẹ là một mất mát to lớn cho nên khi khi gặp Vân, hai đứa dễ thân nhau, trong những ngày em tôi đi công tác Vân thường tới nhà chơi và trò chuyện làm thân, Vân kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của Vân, tôi được biết Vân có nhiều chị em gái , nhưng mẹ lại gởi Vân và một người em nữa cho các cô nuôi ở Long An, các cô không chồng sống cùng nhau trong một khu vườn lớn còn lại sau khi bị nhà nước lấy đi một phần, tôi thường ngồi vừa vẽ mẫu áo vừa nghe Vân kể, bất chợt tôi nhớ và hỏi thăm về hoa phù dung, Vân nói có biết và thấy hoa trong vườn nhà ! Thật là may, Vân hứa khi nào có dịp về quê sẽ mang lên cây hoa phù dung tặng tôi !

        Cuối cùng thì tôi cũng được nhìn thấy hoa phù dung, cây hoa Vân mang đến cho tôi vào buổi chiều, cây chưa cao lắm nhưng đã có hoa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa là sắc hồng đậm gần qua đỏ, trong ánh nắng chiều hoa vẫn còn đẹp tươi mang vẻ kiêu sa, nhưng dường như dáng hoa hơi mõi mệt, có lẻ do ấn tượng sắc hoa lúc về chiều hay vì khi rời xa chốn cũ lên đây hoa phải trải qua một đoạn đường dài hơn 40kms ? Quả thật là hoa đẹp như ba tôi mô tả, tôi vui mừng trồng ngay vào một chậu tương đối lớn....chăm chút và tưới cây liền, nôn nao nhìn những búp non hé mở báo hiệu sẽ nở rộ lúc ban mai....
        Sáng tinh mơ thì hoa nở, một màu trắng tinh khôi trông như một nàng công chúa kiêu sa đài các, đến trưa thì hoa đổi dần sang sắc hồng tươi thắm, rực rỡ và xinh tươi như cô gái xuân thì !
        Bấy giờ là những năm tháng của thập niên 80....Mọi người trong xóm đều tới xem hoa...Ai cũng trầm trồ với vẻ đẹp cũng như đặc tính thay đổi màu sắc của hoa, trong đó có cô Bảy "xóm trong", gọi là xóm trong chỉ để phân biệt "xóm ngoài", đa phần dân xóm ngoài là gia đình công nhân viên chức, con cái ở trong nhà, xóm trong thì tận cùng hẻm nhỏ có chia nhánh đi luồn qua các hẻm lân cận, đa số là dân lao động , buôn bán ngoài chợ, bán chè, cháo, cơm tấm.. .Không ai biết tên thật của cô, cô còn có biệt danh "Cô Bảy chà" vì cô có nước da ngăm, có lẻ cô lai Ấn hay Miên, trước năm 75 cô đi làm ở các quán bar bán cho quân đội Đồng Minh....giống những người xóm trong cô là thành phần lao động, nhưng vì nghề nghiệp lúc nào đi làm cô cũng trang điểm đậm nét như ca sĩ,  và mặc toàn áo đầm, jupe bó, thỉnh thoảng mới thấy cô mặc áo dài, lúc còn sinh viên tối thức khuya học bài, hằng đêm chị em tôi  nghe tiếng giày cao gót của cô lộp cộp trong đêm khuya thanh vắng, mỗi khi nhìn thấy chị em tôi đứng hóng mát trên balcon cô lại cười vẩy tay và hỏi còn thức học bài hả con  ...?
        Chúng tôi dần thân quen với hình ảnh người đàn bà "quốc tế" nầy, cô đi làm miệt mài do sinh kế phải nuôi sống sáu mẹ con vì chưa bao giờ tôi thấy thiếu vắng tiếng giày của cô trong đêm khuya tĩnh lặng
        Xóm trong gọi cô là "bà mẹ quốc tế" vì cô có 6 đứa con, nhưng người ta chỉ thấy trước mắt là 5 đứa lai ngoại quốc, đầu tiên là đứa con gái tên Đen, lai Maroc, sau đó 1 cặp con trai sanh đôi lai Hàn, tiếp theo là đứa con gái lai Mỹ, và cuối cùng 1 đứa con trai út cũng lai Mỹ... Tất cả cô đều thương yêu cưng chìu như nhau, bình thường cô rất hiền không nói đến ai, nhưng nếu có người nói động hay trêu ghẹo các con là cô lăn xả vào bênh vực, cô như con gà mái sẵn sàng xù lông che chở cho đàn gà con trước móng vuốt của diều hâu,  người ta nói cô còn đứa con gái lớn nhất người Việt ở dưới quê, kết quả của mối tình đầu với người đàn ông Việt bội bạc khiến cô hận đời bỏ lên Sài gòn, không vốn liếng, không học thức cho nên cô đành phải vào làm ở quán bar, vừa là tiếp viên, vợ hờ rồi vợ một đêm, ....
        Sau năm 75 tất cả các con của cô đã lớn, không còn lính Đồng Minh để làm nghề cũ, cô cũng lớn tuổi, mấy đứa con cùng mẹ bán bánh tráng và bắp nướng ngay ngã ba đường Vườn chuối, buổi chiều khoảng 4g là mấy mẹ con dọn ra bán, mãi đến tận khuya mới dọn về....Tôi lại nghe tiếng chân khuya nhưng không còn tiếng giày cao gót gỏ trong đêm, mà là tiếng dép và tiếng cười nói rôm rả của mấy mẹ con, nghèo nhưng vô cùng ấm cúng !
        Cây phù dung của tôi đã quen phong thổ nên lớn nhanh và cho hoa thật nhiều, nhà tôi hướng Tây nắng chiều gay gắt nhưng giúp cho sắc hoa thêm tươi tắn và đậm màu, ngày ngày cô Bảy đi ngang qua, buổi sáng cô trầm trồ với màu phù dung tinh khôi sắc trắng , buổi chiều cô lại ngắm sắc hoa đỏ tươi... Một  lần thấy hoa nở to thật đẹp, cô nói với tôi :"Con cắt hoa dâng lên cúng Phật, hoa nầy chùa hay trồng, tuy héo trong ngày nhưng ở quê cô mấy thầy trong chùa thường cắt hoa buổi sáng dâng Phật, màu hoa thay đổi giống kiếp người, sớm nở tối tàn, thấy đó rồi mất đó, màu hoa thay đổi như đời người đổi thay !"Giọng cô đang vui khi ngắm hoa chợt nhỏ lại u trầm trong nỗi buồn sâu thẳm, tôi vâng dạ mà không làm vì không nở cắt đi khi hoa chưa thay sắc, bây giờ đã lớn tôi mới thấu hiểu tại sao hoa chỉ trồng ở chùa, và hoa được dâng cúng ở chùa nơi quê xa để cho người ta ngắm sự thay đổi sắc hoa và tính cách sớm nở tối tàn của hoa nào khác chi thân phận người phụ nữ và sự biến đổi sắc màu của hoa phù dung cho ta hiểu lẻ Vô thường của Phật pháp ?... ***
        Và rồi cây phù dung cũng chết đi vì đó là loại cây không thể sống lâu dài trong chậu, ba tôi tuy không tin dị đoan nhưng cũng không muốn tôi lại trồng loại hoa nầy, cô Bảy cũng ra đi với đàn con lai....Mỗi lần có dịp về quê, nhìn thấy cây phù dung tôi lại nhớ đến thân phận người phụ nữ, nhớ mẹ, nhớ sư cô chùa Hưng Long và nhớ nhất là cô Bảy....
       Vân sau nầy là dâu trong gia đình, cũng trải qua thời gian hạnh phúc với em tôi ...,giờ thì Vân  không còn nữa do căn bệnh ung thư quái ác giống như mẹ tôi...Lại một cánh hoa phù dung sớm tàn ! Tôi còn nhớ như in bóng dáng xinh xắn lanh lẹ của cô thiếu nữ ngày nào ôm cây phù dung từ quê nhà lên cho tôi, trong ánh nắng buổi chiều Vân đẹp như đoá phù dung hồng thắm, chả trách sao trái tim em trai tôi xao xuyến..! Cuộc đời người phụ nữ tuy là trải dài theo năm tháng nhưng phải chịu đựng nhiều biến đổi bể dâu, tôi thấy cuộc sống quả thật là ngắn ngủi nào khác chi đoá phù dung sáng nở tối tàn ?!
Sắc màu thay đổi với Sắc Không,
Sớm nở tối tàn phận long đong....
Kiếp hoa nào khác chi bèo bọt ?
Cuối cùng rồi vẫn trở về Không !
        Tuy nhiên tôi vẫn thấy yêu hoa phù dung, tuy số phận của hoa phù dung như thế, nhưng ít ra hoa cũng đã khoe hết sắc hương cho đời, sắc hoa đem lẻ Vô thường của Phật pháp đến với tất cả mọi người, nhưng quan trọng nhất là cho thấy thân phận đáng thương của người phụ nữ trong cõi đời vốn đầy dẫy Sắc Không nầy !!
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Đạo Phật và Tôi)
*****

Thương tặng Thu Giang và các bạn Đệ Thất 6 GL

Lời Nguyện Đêm Nay

Cát Bụi Cuộc Đời 

   Tiếng chuông chiều mùng một Tết
   Trong hoàng hôn tiếng chuông chiều vang vọng,
  Nhắc nhở người chìm đắm cõi trầm luân...

    Thời chuông thôi thúc bâng khuâng,
    Giục người tỉnh thức như gần như xa...
 Quẩn quanh trong cõi ta bà,
 Nhớ người xưa đã một thời phong lưu
 Giờ chừ đỗ bến hoang vu,
Hay còn phiêu lãng thiên thu chốn nào ?
 Thương thay một kiếp xôn xao,
   Cuối đời chen chúc với bao đoạ đày !!
 Sen vàng một đoá trên tay,
   Xin người cứu độ đắng cay cuộc đời...
NM 
Chùa Xá Lợi....bây giờ !

Trước Tết, hàng ngày tôi vẫn có dịp đi ngang qua chùa Xá Lợi, nhìn thấy chùa đang sữa chữa....Rồi lại thấy hai cây "Bò cạp vàng" ở góc sân bên phải được bỏ đi khiến lòng tự nhiên buồn buồn tiếc nuối vì đã có lần kêu cháu dừng xe chạy vô chùa lượm những trái rụng lấy hột đem gieo dưới chân mộ phần của ba, phải tới 4 năm cây mới ra hoa, và vỏn vẹn chỉ nở hai mùa hoa thì cây bị sâu tàn phá !....
          Và cứ thế hàng mấy tháng, cho đến khi gần Tết bỗng chợt nhận ra tượng Quan Âm xuất hiện ngay góc phải của sân chùa, tuy rằng nơi đây cũng có cửa, nhưng thoạt nhìn có cảm giác như rộng mở  thật đẹp và uy nghi....!
          Tượng Phật màu trắng được đặt ngay góc đường bà Huyện Thanh Quan và sư Thiện Chiếu. Nếu ta đứng từ bên kia lề đường của trường GL, ta có thể nhìn thấy cảnh quang trọn vẹn hơn, ta có thể chiêm ngưỡng nét trang nghiêm của Đức Quan Âm và nhìn rõ được vẻ rực rỡ của chánh điện chùa Xá Lợi trong buổi chiều tà ! Chắc hẳn không phải là một sự sắp đặt ngẫu nhiên, bởi vì đây cũng là góc của đường Bà Huyện Thanh Quan và đường Sư Thiện Chiếu! Bên đây đường là chùa, bên kia là trường học, ngoài tiếng xe qua lại và giờ học sinh tan trường, còn lại không gian rất yên tịnh....Một không gian êm đềm và gần gũi của bảy năm trung học, của tuổi thơ và tuổi hoa niên !
          Có lẻ sự yên tịnh trang nghiêm nhưng thân thuộc của ngôi chùa đã làm cho đại đa số nữ sinh Gia Long có một dáng vẻ thuỳ mị và ôn nhu, một tâm hồn sâu lắng trước biển đời dâu bể !! Đa số nữ sinh GL ngày đó yêu chùa không khác gì yêu ngôi trường thân yêu của mình ! Và chắc chắn rằng trong album ngày còn đi học bất cứ nữ sinh Gia Long nào cũng có ít nhất một tấm ảnh chụp cùng bạn bè trong sân chùa Xá lợi
          Hai năm nay do hoàn cảnh thực tế, tôi không đến viếng chùa Xá Lợi ngay sáng mùng một, mà đổi lại hai cô cháu đi viếng chùa vào buổi chiều ngày mùng một...Khoảng thời gian hoàng hôn của chiều mùng một Tết thật thoải mái và dễ chịu, xe cộ ít đi rất nhiều vì không còn giờ tan sở, tan trường và dân tạm cư thành phố cũng đã về quê ăn Tết, được chạy xe giữa buổi chiều mát không hanh nắng và không đầy mùi khói xe làm cho người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản thật đúng là ....Tôi ơi, mùa Xuân đến rồi đó !!
          Từ cổng chánh đi thẳng vào Thiền đường đã được mở rộng hơn, hai bên được trang trí những bức tượng nhỏ màu trắng, hình ảnh bé xinh của chú tiểu nhỏ, người thì đọc sách, kẻ chống càm, những hình tượng nầy được đặt giữa những khóm hoa lá trông thật vui mắt đáng yêu
          Phía bên trái ngay sát góc tường là một tiểu cảnh nhỏ có tượng bán thân của ông Mai Thọ Truyền, tức cư sĩ Chánh Trí, người có công cất lên chùa Xá Lợi đồng thời quảng bá tư tưởng Phật giáo trở nên phổ biến và rộng lớn, người đã sáng lập Hội Phật học được lưu truyền cho đến bây giờ...
Cây mai màu trắng năm nay không đầy hoa như mọi năm nhưng dưới ánh hoàng hôn cây mai trắng trở thành một hình ảnh dịu dàng thân quen
           Sau khi dạo một vòng nhìn khuôn mặt mới của chùa Xá Lợi, tôi lại trở vào sân sau của chùa bái lạy tượng Quan Âm nhỏ được đặt ở đó, đặc điểm đáng ghi nhớ là nơi đây lúc nào cũng đông người đến cúng vái, hoa quả, đèn hương lúc nào cũng toả sáng !
          Cuối cùng là lên chánh điện, nơi đây vẫn như cũ và không hề thay đổi, một khung cảnh thật gần gũi và không hiểu tại sao mỗi khi vào đây chiêm ngưỡng Đức Phật tôi luôn cảm nhận một sự êm đềm tĩnh lặng, ngay cả không gian cùng các vị Phật tử ai cũng cho tôi một cảm giác thân quen cho dù tôi chưa hề biết một ai...
          Những năm trước đây, ngoài thời gian còn đi học thì khoảng thời gian sau khi ba tôi mất đi hai cô cháu thường đến chùa đọc kinh vào những hôm trời không mưa, được ngồi ngoài sân cũng thoải mái và dễ chịu....Những buổi tối mưa dầm chùa thanh vắng hơn nhưng êm đềm tĩnh lặng ! Bây giờ thì không biết bao giờ được trở lại cảm giác thanh thản của những ngày xưa cũ đó, thoắt một cái mà đã trên hai mươi năm trôi qua...!
           Hôm nay là chiều mùng một Tết cho nên Phật tử đến đọc kinh tương đối vắng, ngược lại khách đi viếng chùa lại đông, tôi cảm thấy yêu thích sự yên tĩnh nầy , mùi hương cũa nhang lan toả trong không gian thật ấm áp đượm đầy không khí của mùa Xuân nơi cảnh Phật
          Trời đã bắt đầu tối, từ trên cao ngoài sân chánh điện nhìn xuống sân với cảnh quang mới tôi có cảm nhận sân rộng ra hơn, khang trang và đẹp hơn, nhưng sao vẫn thấy yêu và nhớ khoảng sân chùa thân quen của những ngày còn đi học !
          Điểm đặc biệt không thay đổi của chùa Xá Lợi là người ăn xin thật nhiều, trẻ khuyết tật, người mù, người già, có người bán vé số có người không...Trong khi nhưng chùa khác bây giờ không còn một bóng người ăn xin nào...Hai bên lối đi vào, hai bên thềm tượng Quan Thế Âm, hai bên cầu thang dẫn lên chánh điện....
        Trong ánh hoàng hôn nhá nhem, tôi lại tưởng nhớ đến hình ảnh của Dì Ba, một người dì bà con, một người đàn bà đẹp giàu có một thời cũng đã từng ngồi chen chúc ăn mày cửa Phật nơi đây !!
          Đêm đến trên con đường nhỏ bên hông chùa Xá Lợi mang tên sư Thiện Chiếu phía bên kia đường là hàng loạt nhà hàng, quán nhậu rực sáng ánh đèn màu... Giờ nầy cũng là giờ thực khách tấp nập
         Đâu rồi những căn nhà xinh xắn với hàng bông giấy rực rỡ đủ màu dưới ánh nắng trưa giờ tan học ?
NM PTND
*****

NTV -  Rằm tháng giêng 2018 
 

Những Bản Hòa Tấu Quê Hương

Nhạc Không Lời Hay Nhất

Xuân Quê Hương 2018

Xuân quê hương
" Xuân du phương thảo địa",
Nhớ câu thơ cổ xưa...
Về đây viếng cảnh Phật,
Ngắm mai vàng đong đưa !

Như ngày trong cổ tích,
Long lân múa tưng bừng...
Cùng người tạ ơn Phật,
Xa rồi nỗi bâng khuâng !

Biết bao người trẫy hội,
Du khách tự phương xa...
Cúi đầu Nam Mô Phật,
Con đã trở về nhà !!

 Thương sao ôi thương quá,
Mùa Xuân nơi quê hương...
Âm thầm con rơi lệ,
Lòng con luôn nhớ thương!!
NM
 
Rằm tháng giêng 2018
         Mới Tết đây mà đã đến ngày rằm! Người ta thường nói "Tháng giêng là tháng ăn chơi " nhưng đối với tôi tháng giêng không chỉ là tháng ăn chơi mà là tháng của an lành và hạnh phúc....! Từ đêm 30, sáng mồng một cho đến ngày mùng năm hai cô cháu cùng gia đình có dịp đi viếng chùa và dạo cảnh ngắm Xuân, vì thật ra bây giờ ông bà cha mẹ không còn ai nữa, đây là thời gian hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp của quá khứ, kính nhớ gia tiên đồng thời cầu an cho mọi người trong gia đình cùng bạn bè hiện tiền
         Như một chu kỳ không thay đổi, hai cô cháu ghé chùa cổ Hội Sơn trước, năm nay con đường vô chùa được tráng ciment sạch sẽ, chùa vẫn đãi tiệc buffet như thông lệ, khung cảnh thật đông vui và ấm áp. Buffet được bày biện trong sân sau của chùa, món ăn khá phong phú, bánh cuốn, bánh mì bì, bún riêu, bún măng, cơm thập cẩm, bánh xèo, bún xào, có cả nước rau má và chè....Khách thập phương thuê xe du lịch đến viếng Phật, tham quan cảnh thiên nhiên và thưởng thức món ăn ngon! Phật tử chùa Hội Sơn thật hiếu khách phục vụ luôn tay và họ cũng thường hãnh diện khoe rằng chỉ có chùa Hội Sơn là nấu món chay ngon nhất và đa dạng nhất ! Tuy nhiên chùa vẫn còn nhiều Phật sự cần hoàn tất vì thế mà không chụp hình lưu lại...
         Gần chùa cổ Hội Sơn là chùa Bửu Long, phong cảnh đẹp đẽ đông vui, vì chùa đẹp cho nên khách viếng phương xa rất đông, ngay từ cổng chùa đã có một nhóm thiếu nữ mặc áo dài cầm hoa chụp ảnh, cười nói tíu tít, gia đình và Phật tử các tỉnh cũng rất nhiều...
         Ảnh chùa Bửu Long quá nhiều cho nên khi ngồi ở băng đá nghỉ chân tôi chỉ chụp vội vài tấm trước mắt đồng thời là những góc ảnh yêu thích, thương nhất là hàng cây sứ đỏ thắm bên đường dẫn vào chùa,và cũng  thương ngôi nhà bằng gỗ khang trang trông thật mát mắt
         Năm nay sân chùa còn điểm xuyết thêm những bức tượng đá mỹ thuật khiến khung cảnh càng tăng thêm vẻ sinh động!
        Đây là con đường dẫn vào nhà ăn của chùa đối diện với ngôi nhà gỗ, những hôm chùa đãi khách chắc hẳn đông vui nhưng không ồn ào náo nhiệt như những ngôi chùa khác 
         Một ngôi chùa có kiến trúc đẹp với không gian yên tĩnh, nên thơ...!
        Hôm nay thật là vui, bước chân vào chùa Quảng Đức thì gặp ngay đội lân đang chuẩn bị chào sân....Ông địa và ông lân sau khi đi một vòng thì lạy cúi chào ba pho tượng Phật to lớn ngoài sân. Năm nay chắc hẳn là hên lắm đây, ai nấy cũng đều háo hức, người chụp ảnh, kẻ bế con trẻ lên cao để xem cho rõ, một số thanh niên thiếu nữ đi nối đuôi theo sau đám múa lân đến chào tượng Phật Quan Thế Âm rồi lại quay trở về múa dưới chân ba pho tượng Phật rồi mới chia tay
         Thời gian của đội lân múa không kéo dài, nhưng tất cả mọi người đều hào hứng vì đó là một niềm vui thật bất ngờ và cũng là điềm mang đến sự may mắn trong mùa Xuân mới
        Mọi người chăm chú ngắm nhìn từng động tác nhanh nhẹn và khéo léo của đội lân, vui với cái vui bất chợt cho nên quên mất mình vừa gặp cô em gái cũng đang đi chùa, đến lúc nhớ lại thì cô em cũng biến đâu mất tiêu rồi ?!
         Chùa Quảng Đức còn có một món ngon đặc biệt là món bún bò Huế chay thật độc đáo nhưng sa tế cũng thật là cay...Sân sau của chùa rất rộng sức chứa cũng khá nhiều, nhưng thật khó tìm được một chỗ để ngồi thưởng thức ! Chùa lại rất nhiệt tình chào mời... Vẫn còn tiếp tục đi nữa nhưng cũng phải thưởng thức món bún bò ở đây đã rồi mới yên tâm ...lên đường !
        Đây mới chỉ là nửa tháng đầu của mùa Xuân mà!!
NM PTND
*****

Lạy Phật Quan Âm

Album Trái Tim Bồ Tát

Bồ Tát trên cao !
Lung linh đèn sáng lung linh,
Trên cao Bồ Tát cúi nhìn thế gian.
Buồn cho bao kiếp gian nan,
Kẻ thì toà án, người trong sân chùa...
Hoa sen đâu nở bốn mùa,
Làm sao cứu khổ độ nàn chúng sinh ?
Sen vàng rọi chốn U minh, 
Thuyền Từ đón khách tội tình bến mê...
Cùng nhau chung một lối về,
Trái tim Bồ tát là quê hương mình !
NM
Lần đầu tiên viếng Việt Nam Quốc Tự
         Hôm nay là ngày mùng năm nhưng không khí Tết vẫn còn tràn ngập, nhất là ở các ngôi chùa trong thành phố. Năm nay số ngày nghỉ Tết nhiều, ngoài những người có quê phải về thì dân Sài gòn, nhất là những người lớn tuổi thường đi chùa viếng Phật và cầu phúc vì "ba ngày Tết" cùng lễ nghi đối với gia đình đã qua rồi. Hội hoa xuân cũng đóng cửa chuẩn bị cho một năm làm việc mới !!
         Chợt nhớ đến lời một cô Phật tử người Huế mà tôi đã có dịp gặp trong lúc viếng chùa Quảng Đức rằm tháng bảy năm ngoái khi ngồi cùng bàn thưởng thức bún bò Huế chay, cô tự giới thiệu mình là người Huế vô Sài gòn thăm bà con, nhân dịp rằm lớn cô đi viếng tất cả những ngôi chùa lớn ở Sài gòn. Cô hỏi tôi ở đâu và có biết Việt Nam Quốc Tự không... Tôi cho biết mình là dân Sài gòn mấy đời, tuy chùa gần nhà và hay đi ngang qua nhưng tôi chưa một lần có dịp  đặt chân tới đó. 
         Tuy còn trẻ nhưng cô cũng khá rành cô lại hỏi tôi có biết tên trước kia của Việt Nam Quốc Tự không, tôi trả lời là Viện Hoá Đạo do Thầy Thích Tâm Châu trụ trì trước năm 75, và hình như chùa có nuôi trẻ mồ côi. Thời đó tôi chỉ biết lo đi học cho nên những nơi nào có dính líu về đấu tranh thì không dám lui tới....Và rồi những biến động thời thế, những lo toan cho cuộc sống làm tôi không còn nghĩ đến nữa, sau nầy khi đi chùa tôi chỉ quen theo một lộ trình quen thuộc vì thế chưa một lần đến viếng thăm Việt nam Quốc Tự ! Cô Phật tử người Huế khen ngôi chùa rất đẹp đang xây dựng và cũng sắp sắp xong rồi, cô gợi ý tôi nên đến viếng một lần cho biết...Ti xen vô nơi đây sẽ lưu giữ trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức !
         Ăn cơm chiều xong đi một vòng dạo mát, hai cô cháu đồng ý ghé Việt Nam Quốc Tự viếng Phật vì chùa đã hoàn tất trong năm 2017 rồi. Trong buổi tối ngôi chùa sáng lấp lánh dưới ánh đèn...
        Điểm đặc biệt nhất là cây mai trong sân chùa thật to và cao đầy hoa vàng nở rộ, mọi người ai bước chân vào sân cũng phải ngước mắt nhìn, không gian thoáng đảng rộng lớn và ánh sáng lung linh khắp mọi nơi
        Từ ngoài nhìn vào thì bên tay trái của chùa là ngôi bảo tháp đang lưu giữ trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức, tất cả các tầng đều sáng rực rỡ và Phật tử đến viếng thật là đông, chỗ giữ xe cũng nườm nượp khách ra vào. Cả hai cô cháu đều đồng ý vào lạy Phật trước
        Chánh điện thờ Phật ở trên lầu, được trang trí rất đẹp mắt, giờ nầy có lẻ đã qua thời tụng kinh tối, vì thế có nhiều Phật tử mặc áo tràng xám sau khi viếng Phật thì tự ngồi đọc tụng với quyển kinh mà mình đem theo....
        Hai bên vách là tượng của các vị La hán, những bức tượng có màu sắc rất đẹp và đường nét thật sinh động ! Tất cả mọi nơi đều được trang trí bằng hoa tươi, ánh sáng luôn chan hoà !
        Lễ Phật xong hai cô cháu trở ra sân để ngắm hai gác chuông và trống thì bất ngờ tôi thấy một sư thầy bước đi vội vã từ dưới cầu thang đi lên, mặt thầy nghiêm và có vẻ hơi giận ai đó ? Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có cảm giác như vậy...

 
        Trước sân chánh điện có chuông, trống hai bên và được lưu giữ trong hai ngôi gác nhỏ có kiến trúc tinh xảo, nhưng tôi thích nhất tượng Di Lạc ở mặt tiền chùa tầng trệt, pho tượng uy nghi rất đẹp, đó là một bức tượng bằng gỗ chạm khắc thật khéo léo, đặc điểm khác lạ với các chùa khác là tượng đặt ngay giữa mặt tiền của chùa chứ không để ngoài trời, có lẻ vì đây là tượng bằng gỗ ! Tuy nhiên vẫn có một hàng rào giả định phía sau lưng tượng
       Đứng thơ thẩn dưới sân chờ cháu lấy xe ra từ dưới tầng hầm của chùa, tôi lại thấy đám đông hiếu kỳ đang đứng gần cây mai, nhưng không phải chiêm ngưỡng hoa mai mà lại vây quanh một thanh niên ăn bận khá lịch sự, điều làm cho tôi bất ngờ là thanh niên nầy bị trói gô cả hai tay và hai chân, hai tay quặt ra sau lưng, nằm sấp mặt dưới đất, gần thanh niên là một vị sư thầy của chùa, thầy hãy còn trẻ nét mặt căng thẳng không vui, thầy đang bấm điện thoại trên tay có lẻ liên lệ với công an để xử lý
        Không hiểu sao khi nhìn thấy tư thế của người thanh niên bị lật úp xuống đất như vậy trong sân chùa tôi lại có cảm giác bất nhẫn dù đoán biết rằng anh ta đã có hành vi pham pháp gì đó, tôi chỉ cho cháu xem và nói suy nghĩ của mình, cháu nói có lẻ tái phạm nhiều lần nên bị như vậy và với tư thế đó sẽ không chạy được! Cột cả hai tay và chân trong tư thế khác như ngồi dựa vào vách hay gốc cây thì cũng không thể nào chạy được, tôi nghĩ như vậy...vì đây là chùa thì có một cái gì hơi chua chát !
        Bất chợt tôi ngước lên nhìn qua bảo tháp đèn vẫn sáng lung linh....!!
      Cháu lại hỏi có qua viếng xá lợi bên tháp không, tôi nói thôi về vì năm nay chân đau khớp chắc không leo lên cao nỗi, tôi muốn nói thêm với cháu là tự dưng  tôi cảm thấy nhói trong tim trước hình ảnh của "tội phạm trong sân chùa"....! Chắc hẳn với trái tim Bồ tát trên cao ngài Thích Quảng Đức cũng thấy và không vui với nỗi đau của chúng sinh. Còn biết bao nhiêu khổ nạn của thế nhân trên quê hương nầy!? 
NM PTND