Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

NTV 92 - Chùa Bửu Long và ngôi nhà thờ họ


Bên Bến Sông Buồn


Thương ngôi nhà cổ
Mù u chừ xanh lá,
Không còn hoa trắng khoe...
Chùm trái tròn xanh ngắt,
Xôn xao dưới nắng hè !!

Bến sông quê gió mát,
Đâu còn mái chèo xưa...?
Giờ máy ghe dồn sóng,
Phà đưa người qua sông !!

Thinh không chim ríu rít,
Chào đón nắng ban mai...
Bìm bịp kêu không ngớt,
Tìm bạn chừ quanh đây ?!

Lần đầu nơi quê cũ,
Ngắm nhà cổ ban trưa...
Lòng bỗng dưng xúc động,
Nhớ người muôn năm xưa !!
NM

Chùa Bửu Long và Ngôi nhà thờ cổ

 Chùa Bửu Long thuộc huyện Tân Bửu, quận Bình Chánh cũng cùng một nơi với quê hương bên nội của cha con Ti, chỉ hơi khác là chùa Bửu Long nằm bên này sông, nơi đây ban đầu là chỗ gởi hai hủ tro cốt của Bà cố và ông nội của Ti, ngoài ra còn có sẵn hủ tro cốt của ông Sơ là ông cả Hương, một hương chức cố cựu nổi tiếng giàu có nhiều đất ruộng ở quê hương Bình Chánh nầy !

Vị trí của chùa khá nên thơ vì từ con đường tỉnh lộ quẹo vào con đường đê tương đối rộng còn  phải đi qua một lối nhỏ bằng bê tông mới vào đến cổng chùa, hai bên là ruộng cũng có nhà và ao thả súng, sen .... Sau nầy tro cốt được dời đi hai cô cháu không có dịp viếng thăm chùa thường xuyên, lần ghé gần đây trước giãn cách thấy quang cảnh không còn như cũ, chùa đã được tu sữa lại không còn phong cảnh làng quê mộc mạc nữa !

  Dòng sông chia đôi bờ bên này bờ là chùa Bửu Long, bên kia bờ là đường vào nhà thờ họ

Chùa nằm kề cận bên sông có bến đò nhỏ để thuyền cặp ghé vào vì hai bờ sông chưa có cầu bắc ngang qua, người dân muốn qua lại hai bên sông đều phải đi bằng ghe máy nhỏ hay phà nhỏ, mỗi lượt khách lên phà đầy đủ, phà chỉ cần quay đầu lại là đến bờ bên kia! Ban đầu hai cô cháu chỉ biết viếng chùa Bửu Long những dịp Thanh Minh, lễ Tết...Tất cả những người liên quan đến dòng họ hai cô cháu chưa có dịp gặp mặt chỉ biết chút ít nguồn cội cha con Ti qua lời thầy trụ trì chùa này, thầy là người cố cựu ở đây nên rất rành về gia tộc của Ti ở quê và ở Sài gòn nữa...

Trong thời gian các hủ tro cốt còn lưu lại đây, cảnh quang chùa hãy còn thơ mộng và đậm chất chân quê, mỗi lần có dịp viếng chùa là thầy hay lưu lại trò chuyện thăm hỏi, mời thưởng thức những chung trà lá dứa rất thơm ngon, lúc đó các hủ tro cốt nắp chưa gắn kín lại không có hình và bảng tên, thành ra phải lục tìm hình cũ đi rửa ảnh, đặt bảng tên rồi lựa ngày tốt nhờ Thầy gắn hình và bảng tên giùm, dùng ciment trắng khằn nắp của các hủ tro cốt để phòng khi hủ ngã sẽ không bị đổ tro cốt ra ngoài !!

Theo lời thầy, thân nhân bên nội Ti vẫn còn ở đây nhiều, nhưng không hiểu tại sao người ta vẫn giữ nguyên tình trạng các hủ tro cốt chông chênh như vậy ? Khi biết mối liên hệ của cha con Ti với ông Cả Hương Thầy trụ trì rất có thiện cảm, thầy thường kể cho nghe những tin tức tranh chấp đất đai của "những bậc trưởng bối", hầu như người ta quên mất hãy còn sót lại chút máu mủ tình thân của người con gái cả của ông cả Hương !! ...Cứ như thế hai cô cháu âm thầm đi viếng bên nội Ti một thời gian khá dài ....Sau này Ti lớn lên lại tiếp tục chở mình đi viếng tro cốt ở chùa Bửu Long, tin tức dòng họ cũng chỉ biết qua thầy ở chùa....Mãi cho đến một ngày thầy trụ trì báo tin "bên kia" muốn gặp và liên lạc với hai cô cháu để nhìn "bà con" có lẽ vì người ta thỉnh thoảng cũng ghé chùa thăm tro cốt, khi nhìn thấy hai hủ tro cốt được gắn hình và bảng tên đầy đủ và nhất là sau khi tranh chấp phân chia ruộng đất xong hết thì mới bắt đầu nghĩ đến việc muốn gặp hai cô cháu để "nhận" bà con !

Tổng quan nhà thờ họ ngày mới viếng ở phía bên kia sông

 Theo chỉ dẫn của thầy hai cô cháu đã gặp bà con bên Ti, bà thím Ba đã vui vẻ tiếp đón và mời hai cô cháu đến dự đám giỗ "bà cố dì" là em của bà cố của Ti, căn nhà thờ họ lúc ấy cũng khá cũ nhưng còn được chăm sóc, nhà chỉ mở cửa khi cúng giỗ các bậc trưởng thượng, phần hương hỏa thờ phượng có lẽ thuộc về vợ chồng chú Ba Cao cho nên hôm đó Thím Ba mời tất cả bà con hàng xóm ở chung quanh đến dự rất đông, rất vui và thân tình nhờ không khí dân dã của làng quê, mọi người ở đây không chỉ là láng giềng mà hầu như  còn có liên hệ bà con gần xa với nhau cho nên hàng năm vào mùa nước lên, con trai chú thím Ba phải khuân vác tủ thờ, bàn ghế đi gởi hàng xóm vì nước tràn lan vào nhà ! 

Con đường nhỏ đi từ con đường đê vào hãy còn hoang sơ, nhà thờ họ nằm gần sông nhưng mặt tiền nhà lại quay ngang nhìn ra con đường nhỏ dẫn vào sân
Căn nhà thờ họ nhìn tuy cũ nhưng khá ấm áp, chung quanh vẫn còn có đủ các chuồng nuôi gia súc như gà vịt, riêng chuồng heo thì thím Ba cho biết đó là heo của hàng xóm gởi nhờ! Có cả hàng cây mù u giờ đang đơm trái....
Căn nhà thờ họ đông vui rộn rả hẳn lên, thím Ba tất bật chạy lên xuống sắp xếp và nấu nướng, bà con đến phụ cũng nhiều vì vậy mọi chuyện nhanh chóng hoàn tất để dọn lên cúng, và đây cũng là lần đầu tiên gặp mặt nhau cho nên việc giới thiệu thăm hỏi cũng khá nhiêu khê ! 
Riêng chú Tuấn, con trai duy nhất của chú thím Ba cũng khá thân tình, chú nói khi nghe thầy cho biết về hoàn cảnh của cha con Ti tuy khác dòng và trơ trọi nhưng đã được gia đình mình nuôi dưỡng cưu mang như ruột  thịt, chú nói câu chuyện nghe qua tưởng như chỉ có thể xảy ra trong phim ảnh mà thôi! Chú còn vui vẻ hoạch định sẽ sữa chữa ngôi nhà thờ họ nầy và di dời nhà thờ vào sâu trên bờ hơn để tránh ngập mùa nước lớn !!
Chuồng gà và chuồng heo vẫn còn nuôi gia súc, trong khi chờ đợi người lớn sắp xếp hai cô cháu đi tham quan ghi hình kỹ niệm
Trên sông ghe thuyền khá tấp nập, tiếng máy ghe xình xịch kết hợp với tiếng chim, tiếng cười nói sau bếp đưa ra tạo nên một khoảng không gian vui vẻ và thật gần gũi ! Bây giờ "người lớn" đã cúng xong là đến phiên con cháu cho nên hối Ti mang hoa quả vào bày cúng chung 
Lúc này sau bếp thức ăn đã xong hết cả rồi, mọi người đang chuẩn bị dọn lên cúng cho kịp giờ ăn trưa, tội nghiệp chú Hai Còn và chú Ba Cao coi bộ vui lắm, riêng chú Hai cứ áy náy sợ hai cô cháu cảm thấy lạc lỏng không vui! Nhìn Ti nó vẫn không nói gì vì là "phận" nhỏ nhít nhưng nghĩ chắc là cháu cũng vui giống như lòng mình đang vui vì hôm nay Ti đã biết được bà con bên nội của mình, không cần ruộng đất thừa kế, cũng không cần ngôi nhà thờ tự uy nghi mà lòng vẫn cảm thấy ấm áp vì đã tề tựu về nơi đây dù chỉ một lần cho biết cũng đủ thỏa nguyện
Không hiểu tại sao mình lại có ý nghĩ khá nông nổi và bi quan như vậy nhỉ ?!
Thời gian sẽ trả lời cũng như một câu hỏi lớn hiện ra trong đầu là không biết tương lai hai cô cháu sẽ được viếng nơi đây bao nhiêu lần nữa, sự tản mác của dòng tộc, một phần lớn con cháu đã lưu lạc tha hương, nhóm con cháu còn lại đây chỉ  vừa đủ ăn, đủ mặc là quý lắm rồi....Nhưng mọi chuyện giờ đã an bày, chỉ mong người đứng ra đại diện thờ tự sẽ có đầy đủ phúc đức hữu duyên mà lưu giữ ngôi nhà thờ tự cùng mảnh đất hương hỏa cuối cùng của dòng họ gia đình Ông Cả Hương được trường tồn với thời gian !!
Chỉ cầu xin được bấy nhiêu thôi, xin còn được trở về ngồi dưới bóng mát của cây mù u trong vườn, nghe tiếng chim ríu rít trên cao, tiếng bìm bịp gọi bạn trên sông hòa cùng tiếng máy ghe xuôi ngược mà ngậm ngùi tưởng nhớ một thời gia đình còn sum họp và sung túc ...!
NM PTND

 


Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

NTV 91 - Giáng Sinh nầy Mẹ được về nhà mới !!

Giáng sinh nầy,
Giáng sinh nầy mẹ được về nhà mới,
Không xa xôi, không cách trở xa vời...
Gia đình ta chừ đã ở một nơi,
Con chỉ biết xin cúi đầu tạ lễ.
Cao trên cao chuông nhà thờ ngạo nghễ,
Từng tiếng chuông vang vọng giữa hư không...
Đêm đầy sao lấp lánh giữa mênh mông,
Con lại thấy cõi lòng mình ấm lại !
NM

Giáng Sinh nầy Mẹ được về nhà mới !!
Sau bao nhiêu mỏi mệt và thật nhiều cố gắng mới đưa được hai hủ tro cốt của ông nội và mẹ về "sum họp" một chỗ với ba và bà nội !!
Chỗ gởi cốt của ông nội và mẹ là do ba chọn lúc còn sống với lý do chùa nằm trong khu Xóm Gà Gò Vấp ngày xưa, mẹ mất từ 1980 , ông nội cũng hốt cốt sau đó khoảng 4,5 năm, chùa lúc ấy hãy còn nghèo Thầy trụ trì cũ cùng một tuổi với ba cho nên hai người trò chuyện rất tâm đắc, có lẻ đó là lần đầu tiên ba đi chùa lạy Phật, lúc đó lòng cảm thấy vui và ấm áp vô cùng vì ngoài mấy cha con còn có ba anh em anh Hai T con bác Hai dự kiến !!
....Sau đó chùa có Thầy trụ trì mới vì Thầy trước bị bệnh rồi mất, Thầy mới có công xây dựng chùa trong một thời gian khá dài hơn 15 năm mới hoàn tất....
Cái số của mẹ gian nan, bây giờ chùa có dành hai phòng để hủ cốt, một bên của nữ, một bên của nam. sắp xếp theo thứ tự alphabet thế nhưng ông nội lúc nào dù có dời đổi chỗ khác cũng dễ thấy, còn mẹ bây giờ chuyên "cố thủ" tuốt trên chót vót đụng nóc lại ngay góc cho nên mỗi lần có dịp thăm Ti phải dùng điện thoại chụp hình, rọi đèn nhìn coi hủ có bị gì không..?!.Tuy thường cúng dường và quy y ở chùa nhưng mình không đòi hỏi chỉ nghĩ tuỳ duyên thôi....Thế nhưng cuối năm qua và đến tận tháng 11 vừa rồi, hủ cốt của mẹ được dời ra và cứ nằm ngang chổng chơ, nằm meo đến nỗi chỉ cần con chuột hay mèo chạy ngang là rơi xuống !!
Mấy ngày rằm lớn và đôi khi ghé chùa có nhắc 6,7 lần nhưng khg có một sự quan tâm nào !! Thế là đành âm thầm xin chuyển ông nội và mẹ đi thôi, may mắn là phòng nơi gởi bà nội và ba ở tháp đã đủ chỗ nhưng lại có người xin rút hai hủ cốt về quê, thế là làm đủ mọi cách để đem hai hủ tro cốt ông nội và mẹ về chung một phòng...
Biết bao buồn giận và ấm ức không ngờ lại xảy ra nơi cửa Phật từ bi, nhưng thôi nhắc lại làm gì
Phần thưởng tinh thần lớn nhất là bên cạnh những vụn vặt cuộc đời cũng có những tấm lòng thật vui vẻ dễ thương bù đắp dù đó chỉ là những người rất đời thường !!
Lại nhớ ngày xưa khi ba mẹ mới chia tay nhau lúc hãy còn rất trẻ, bà ngoại và bà nội đều thương và buồn, mỗi lần có dịp thăm, nội hay ngoại đều nói trước đám cưới có đi coi thầy , thầy nói sẽ có lục đục nhưng "về già" sẽ sum họp cùng nhau !!
Giờ thì đã về cùng một chỗ rồi, ước gì tất cả hãy còn sống thì vui biết bao nhiêu, nhưng riêng với mình đây là tâm nguyện, hai cô cháu đã lau chùi sạch sẽ và gắn hình lại đàng hoàng cho hủ cốt của mẹ, người ta nói sống sao chết vậy thật là đúng, lúc sống đời mẹ rất gian truân giờ mất đi gần 40 năm mới tạm ổn định
Đây là mùa Noel ý nghĩa đối với gia đình, vẫn chưa nói cho tụi nhỏ biết vì muốn dành điều ngạc nhiên nầy cho tụi nó khi đi thăm ông bà cha mẹ vào đầu năm mới 2020
NM PTND
(Gia đình tôi)