Hiển thị các bài đăng có nhãn Cảnh quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cảnh quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

NTV 98 - Trở lại Thảo Cầm Viên Sài gòn sau 49 năm !!

Vòng quay xưa
Vòng quay xưa dừng lại,
Chưa khép kỹ niệm qua...
Mong chờ ngày vui mới,
Sẽ đua nở trăm hoa !!
NM

Trở lại Thảo Cầm Viên Sài gòn sau 49 năm !!
Lâu quá không đi chơi xa và cũng không có dịp được gần gũi với thiên nhiên cho nên khi Ti rủ đi chơi Thảo Cầm Viên thì mình đồng ý ngay, nhớ lần cuối vào nơi đây là khoảng gần cuối năm 1972, lúc đó đang học năm thứ hai Đại học Sư Phạm, bộ ba Minh Chi Đoàn đang làm bài chủ đề nghiên cứu về kiến trúc cổ của cung điện triều Lê do Thầy Lê Hữu Mục ra đề tài .
 Lớp có 35 sinh viên, chia ra cứ bốn người một tổ, xào tới xào lui, không hiểu sao "thời đó" các bạn nữ không thích nhóm "tư bản", hay "nhà lá" này thành ra cuối cùng chỉ có nhóm mình là có ba người thôi, được cái là có mấy nam Mạnh Thường Quân giúp, như anh LVT thì cho mượn tài liệu bài viết, anh Ánh "trưởng lớp" lúc nào cũng "tự bổ sung" cho nhóm đủ bốn người, lại có thêm một "phó nhòm" là anh Mười bạn của anh Ánh một nhiếp ảnh viên tài tử nhưng rất yêu nghề và chuyên nghiệp lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ nhóm mình
Nhiệm vụ của mình là viết rồi đúc kết lại bài viết cả nhóm, chụp lại những  hình ảnh có giá trị kiến trúc xưa sau đó đóng thành một tuyển tập và trang trí như một cuốn tiểu luận về đề tài Thầy cho, vì bài nghiên cứu nầy cho nên khi nào rảnh khg có tiết học hay chiều thứ bảy , chủ nhật cả nhóm lại hẹn nhau vào Thư Viện hay Viện Bảo Tàng chụp ảnh tài liệu...
Kết quả cuốn tiểu luận đó rất khả quan, phần nội dung thày cho 9 điểm, riêng phần hình thức thầy khen đẹp cho điểm tối đa là 10 và sau khi thuyết trình xong, thầy giữ quyển tiểu luận làm kỹ niệm, làm mẫu cho các lớp khóa sau !!Sự thành công này đa phần là nhờ công lao giúp sức của ba "Mạnh Thường quân" đã "mũi lòng" mà giúp bộ ba "nhà lá" của lớp !!
Lúc đang ăn sáng Ti rủ đi chơi Thảo Cầm Viên thì mình đồng ý liền vì nơi đây còn là kỹ niệm thuở thơ ấu sáng Chủ Nhật nào ba cũng dẫn bốn chị em vào đây chơi, ba trải tấm nilon ngồi dưới gốc cây trái viết canh chừng các con, ba thường mua bánh mang theo cho mấy chị em ăn sau khi chơi đùa đói bụng...Lúc đó Sở Thú đông vui cây cối xanh tươi rực rỡ, vừa mới mua vé đi vào cửa là đã nghe tiếng chim chóc , tiếng cọp beo gầm và nhất là tiếng voi rống !!
Thảo Cầm Viên chỉ mới hoạt động mở cửa lại từ 5/11 cho nên khách tương đối ít, đa phần người ta dắt theo trẻ em còn nhỏ cho chúng có dịp vui chơi ngắm cảnh vì thế những khu có trò chơi dành cho người lớn và trẻ em lớn vắng teo không có hoạt động
Tuy nhiên vẫn có một nhóm người chụp ảnh dạo, cũng giống như xưa họ ăn mặc thật tề chỉnh, nhưng hôm nay vừa còn sớm vừa vắng khách cho nên họ đứng nói chuyện để chờ khách, thời buổi hiện đại nhất là giới trẻ đi đâu họ cũng mang theo máy tự live stream với nhau 
Toàn thể Thảo Cầm Viên như hãy còn ngái ngủ sau một giấc mơ dài đầy mông mị và ảm đạm không vui, cây cối tuy vẫn thấy có người đang chăm sóc nhưng hãy còn um tùm tự phát...may mà những vườn ươm cây có hoa phong lan đang khoe sắc cũng tô điểm cho cảnh quang sinh động thêm một chút !!
Vườn thú chỉ có chỗ nuôi dê là đông và ồn ào nhất, chúng cũng khôn ngoan thấy có người là cả đám le te chạy ra nhìn, rái cá cũng vậy, thú thuộc loài thú dữ thì quá tuổi thọ, chẳng màng nhìn khách vãng lai, có một chuồng cọp vằn không có thú mở cửa mới nhìn hơi hoảng vì bên trong có con cọp vằn bằng đá nằm phủ phục trông như thật đang nhìn ra !! Cửa mở và cọp bằng đá nên yên tĩnh không "Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt" và ta cứ thản nhiên đi qua
Tuy là ngày thường nhưng Viện Bảo Tàng và Đền thờ vua Hùng vẫn đóng cửa im ắng, nhưng không khí cũng sinh động đôi chút nhờ có đoàn quay phim đang hoạt động, sáng hôm nay do ảnh hưởng thời tiết xấu nắng không rực rỡ, nhưng tiếng rộn rã gọi nhau của đoàn cộng thêm mấy bộ trang phục cổ xưa của hai diễn viên trên bực thềm của đền làm cảnh quang sôi nổi hơn !!
Tất cả tiểu cảnh hình thú tương đối ít và nhìn có vẻ hơi cũ có lẽ chưa được "tắm mưa" nhiều, mong sự phục hồi của Thảo Cầm Viên sẽ nhanh chóng trở lại, Ti nói đi chơi Thảo Cầm Viên lần nầy vì muốn nhớ lại lúc nhỏ ông nội chở đi vài lần và nhất là đóng góp chung tay với TCV mau chóng phục hồi đông vui như trước, còn mình thì lại nhớ ký ức cùng bạn bè xưa của thời sinh viên hoa mộng !!
Quanh quẩn tìm đâu hình bóng cũ ?
Một thời tuổi trẻ thuở xa xưa...
Mỗi người một chốn giờ ly tán,
Còn mỗi mình tôi với nắng mưa !
NM PTND

 

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

NTV 79 - Bình minh trên quê nội

Bông Mù U

Ánh bình minh của một ngày vui mới,
Thật thanh bình êm ả giữa tinh mơ...
Tôi đi tìm hoa trắng giữa trời thơ,
Hoa chưa nở chỉ gió lùa qua lá !

Quê nội nên thơ ruộng đồng vất vã,
Con đường quê dẫn lối mỗi khi về...
Mùa rơm thơm ngan ngát thật chân quê,
Tôi như thấy tuổi thơ mình trong đó !!
NM


Đây là quê hương xứ sở bên nội của Ti, bên trong ruộng chỗ có tháp mộ của ông sơ, bà cố và ông nội của Ti, Buổi sáng mỗi khi có dịp về tảo mộ, thường hai cô cháu đi rất sớm, khởi hành từ 6g sáng cho nên đến nơi khoảng 7g lúc đó quang cảnh thật dễ chịu, xa xa mới có 1 căn nhà...Mát mẻ... yên tĩnh chỉ có tiếng chim hót, chuồn chuồn bay, tiếng bìm bịp và chim cuốc buổi sáng không làm người nghe nặng lòng, thương nhất là tiếng gà gáy khiến ta có cảm giác thật thanh bình giữa đồng ruộng mênh mông !!
Điều đặc biệt nhất mà mình rất thích nhất là có cây mù u mọc gần sát bên, cây Mù u còn có tên là Nam Mai, cái tên hoa mai trắng lục tỉnh mà mình chọn làm bút hiệu NM Phan thị Ngọc Diệp, mùa nầy mù u đã kết trái cho nên khg còn một cái hoa nào cả !

Cây mù u con bướm vàng chưa đậu,
Nhưng em về nhớ mãi hoa mù u...
Bây giờ trời đã cuối Thu,
Thôi đành chờ ngắm mù u sang mùa !
Hai năm sau nầy các hủ tro cốt của Ông sơ, bà cố và ông nội Ti lại được thiếm Ba Cao dời vào thửa ruộng bên trong kế nhà bà con, nơi đó có 2 ngôi mộ của bà cố và bà dì chôn cất đã lâu và 3 hủ tro cốt được cất vào một tháp nhỏ trên dưới theo thứ bậc dòng tộc
Con đường đi từ con đường làng nhỏ vào thăm rất là khó khăn vì đây chỉ là đường đất men theo bờ ruộng, lần đầu tiên Ti chở đi thăm dịp Vu Lan, bờ ruộng nhỏ và chưa từng chạy xe như vậy, nhìn cỏ mọc hai bên Ti tưởng là đất chống chân ai ngờ bị hụt chân lọt 1 bên xuống ruộng, chiếc xe gắn máy nghiêng qua phía bên chân lọt xuống sình ! May mà Ti cao cho nên chỉ mất 1 chiếc dép, còn mình thì không biết có ai "độ" Ti chở ngồi phía sau, xe nghiêng qua suýt ngã xuống ruộng mà không hiểu tại sao mình lại đứng bình yên trên bờ ruộng nhỏ xíu vừa hết hồn vừa cười lại hoàn toàn bình tỉnh phụ với Ti kéo chiếc xe đang chực ngã đè lên chân Ti...
.Mãi đến giờ con đường mới được be thêm đôi chút do bà con biết hai cô cháu suýt lọt ruộng, ở đây trồng lúa sậy cho nên khoảng cách từ bờ xuống ruộng khá sâu ! Từ "biến cố" đó về sau mỗi lần đi thăm mộ thì Ti chạy xe một mình, còn KC đành xách giỏ lội bộ từ con đường làng đi theo bp72 ruộng mà vào. Cảnh thật nên thơ và bình yên, gởi xe nhà chú Ba Sum hai cô cháu lại băng ruộng qua thăm nếu nhằm lúc ruộng gặt xong vì vào mùa nắng ruộng khô, mùa mưa thì men theo bờ ruộng mà đi...!
Kể cho Thiếm Ba nghe, hỏi Thiếm sao Thiếm có tuổi chân đau khớp mà đi được trên con đường nhỏ đầy cỏ trơn trợt, Thiếm cười và nói mỗi lần về đó Thiếm đi theo ghe vào và "hú" bà con là những ông con trai ra "cõng" !! Thiếm nói mai mốt có đi thì con đi như vậy !! Hèn chi hai cô cháu lúc chưa biết thật ngưỡng mộ Thiếm Ba, Thiếm còn cho biết khi chỉnh trang và làm tháp Thiếm phải ở đó gần cả tháng ......Thôi chịu khó lội bộ vậy, cứ nghĩ kêu người cõng thấy....buồn cười làm sao ấy !
Ruộng nằm bên kia sông cho nên phải qua con phà nhỏ, chiều ngang sông không rộng vì thế khi đầy khách phà chỉ cần xoay đầu là đã đến bờ bên kia ! "Quay đầu là bờ" thêm một ý nghĩa cho việc thăm viếng, bờ thật gần đâu có xa xôi gì ?!! Thỉnh thoàng vẫn thấy khách ngoại quốc ngồi trên chiếc ghe máy chạy dọc theo sông ngắm cảnh xen với các ghe lớn chở gạo và nông sản, thật nên thơ vui tai với tiếng máy tàu, và cảm thấy sự thanh bình của thời không còn chiến tranh dù nơi đây vẫn còn nghèo nhà cất sơ sài, nhưng đâu đó có xen vào các ngôi nhà khang trang của chủ mới sau nầy...,
Hai cô cháu ước gì mở được 1 resort mini và dân dã ở đây kế bên nhà là hàng rào dâm bụt đỏ, có hàng hoa cát lồi vây quanh, sông nước hữu tình bên sông có chợ , cạnh ruộng vườn , trồng cây ăn trái, trồng rau làm vườn , đào ao thả cá, nuôi gà vịt chỉ làm cảnh thôi và nếu phục vụ thức ăn thì sẽ là món chay !!
Ôi, thật là Thơ mộng và mơ mộng ....?!!
NM PTND

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

NTV 53 - Làng đóng tàu và ghe ở Bình Đại Bến Tre


Nơi đây kỷ niệm,
Kỷ niệm buồn của ngày xưa quá khứ,
Có dần quên theo con sóng thời gian ?
Cất bước ra đi, mơ giấc mơ vàng...
Trong phút chốc bỗng tan thành bọt nước !!

Rồi quẩn quanh với cõi đời ô trược,
Quay tìm về nơi chốn ấy năm xưa...
Chốn cũ quạnh hiu, lau lách rặng dừa,
Sao lại thấy dường như hồn lạ lẫm...?

Có gì đâu qua tuổi xuân đằm thắm,
Biết bao điều nghịch lý đã trải qua...
Chỉ dạo chơi tìm một chút xưa mà,
Rồi ta lại sống những ngày quên lãng !!
NM
Làng đóng tàu và ghe ở Bình Đại Bến Tre
          Trước khi ra biển Thừa Đức bỗng dưng muốn tìm đến làng đóng tàu thuyền của Bến Tre, một nơi mà ngày xưa lúc phong trào vượt biên đang rộ rất rộn rịp khách đến đặt hàng !
        Vừa đi vừa hỏi cuối cùng cũng tìm ra cơ sở nầy nằm sâu trong huyện bên cạnh con sông và gần sát bên phà cửa Đại của biển Bến Tre, vị trí nầy thật thuận tiện cho cả ghe nhỏ và tàu lớn khi hạ thuỷ
          Trừ ngôi nhà lớn khang trang có lẻ của chủ xưởng đóng tàu ra, chung quanh là nhà nhỏ của người dân và thợ đóng tàu ở gần đó, phía sau và mặt trước của xưởng vẫn là những gian nhà lá lụp xụp, chung quanh xường người ta chất đầy cánh quạt, vỏ xe và vỏ gỗ thừa...
          Lại gặp "Bình Tân", địa danh nầy trùng với quận BT gần nhà, Bến phà khang trang nhưng vắng lặng có lẻ vì ngày hôm nay người ta tạm dừng tất cả mọi sinh hoạt để tham dự lễ Nghinh Ông. 
          Nhìn những chiếc ghe nhỏ còn nằm chờ trên con rạch chợt ngậm ngùi cho thân phận của những người vượt biên ngày trước vì mấy ai dám ra đi với chiếc ghe lớn ? Đoạn đường chờ đợi từ lúc đóng ghe, rồi hạ thuỷ ghe, len lỏi qua kênh rạch chờ giờ ra sông lớn rồi từ đó mới ra khơi ngoài biển rộng ....Mấy ai thành công và biết bao nhiêu người thất bại ?!

Đứng trước phà cửa Đại sông nước mênh mông lòng bỗng bâng khuâng như đối diện với một nơi có di tích lịch sử, cho người và cho....mình !!
NM Phan thị Ngọc Diệp