Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

NTV 82 - Bình hoa gợi nhớ !

Bình hoa gợi nhớ của ngày 18/5
Hai loại hoa nho nhỏ và mong manh, cúc tím "nút áo" hài hòa cùng hoa multi bé xíu màu trắng, đây là tên mình tự đặt cho bó hoa đặc biệt này nhất là nhánh hoa trắng mảnh mai trông giống như bó hoa xuyến chi năm xưa 1988, bó hoa hạnh phúc mình được tặng nhân ngày 8/3 tại dãy nhà "nội trú " dưới chân cầu Đồng Nai, các bạn nam ngày đầu tiên đi lao động bên cầu Hóa An cả ngày cực khổ chiều về cũng không quên chạy ngay xuống nhà ăn tặng cho "chị nuôi" bó hoa cúc dại xuyến chi cùng bịt trứng cá thơm ngọt, đây là tất cả tâm tình của "Út mập" luôn dặn các bạn nam đi lao động chiều về nhớ hái trái trứng cá cho chị Chi vì mỗi tối chị em nằm nhớ nhà thường kể chuyện cho nhau nghe những câu chuyện ngày còn ở nhà, ngày còn đi học...mình luôn nhắc những ngày tháng buổi chiều vào thư viện Quốc Gia học, tìm tài liệu, những buổi chiều đó mình thường ra sân mỗi khi muốn thư giản ngồi ngoài băng đá dưới bóng cây trứng cá, tuy là nữ sinh viên nhưng lựa lúc nào vắng người là lén đứng lên ghế đá chồm hái những trái trứng cá thấp nằm trong tầm với, đôi khi có vài bạn nam sinh viên tuy không quen đi ngang qua thấy cũng ghé lại hái phụ...!
Út dặn các bạn nhớ hái trứng cá vì Út nhớ mình thích, nhưng hoa cúc dại xuyến chi thì phát sinh từ tấm lòng của các bạn, ở đây bên nữ chỉ có mình lớn tuổi nhất, các bạn quý mình có lẽ mình là chị nuôi, nấu nước nấu cơm ngày ba buổi tự sáng sớm khi các bạn hãy còn ngủ, nhưng đặc biệt tuy lúc ở nhà chỉ nấu cơm bằng nồi cơm điện nhưng vào đây lần đầu tiên nấu cơm bằng nồi gang to phải hai người khiêng lại nấu bằng củi tạp, xới cơm bằng cái dầm chèo ghe mà Be đem từ Bến Tre lên nhưng cơm chưa hề khê khét bao giờ, các bạn còn được chia nhau từng miếng cơm cháy vàng giòn rụm !.Mình thường nói đùa với bé Hương phụ bếp là hai cô cháu mình nếu biết bơi có thể leo vô nồi cầm dầm chèo thả xuôi theo dòng Đồng Nai về nhà mà không ai hay...!
Trước khi ăn cơm chiều thì Út đã rửa trái trứng cá ngâm với nước đá trong ca cho lạnh, hoa Út chưng trong ly nước để trên bàn, thật là ấm áp trong lòng với những ngày xa nhà không được tự do, thương Út tuy không biết ăn trái trứng cá nhưng chu đáo lo cho mình...
Cho mãi đến bây giờ đã hơn 30 năm, tất cả các bạn trong nhóm cũ ngày xưa không còn gặp nhau nữa, Út thì từ giã cõi đời sau đó vài năm, các bạn khác có người đi tiếp và có người thì ở lại, dòng đời cũng xô đẩy tất cả xa nhau chỉ được gặp lại đôi lần nhưng bây giờ thì miên viễn như "cánh chim hải âu" ?! (biệt danh tự xưng của LVC)
Theo với thời gian kẻ trước người sau, cái duyên hạnh ngộ chỉ vỏn vẹn một năm nhưng chắc hẳn khó ai có thể quên những kỹ niệm đẹp của tháng ngày nơi ấy .
Cám ơn bó hoa của cô bạn đã gợi lại ký ức xưa của tháng ngày chúng ta hãy còn thanh xuân nhưng vất vả, trong cảnh tù đày vẫn vui và hạnh phúc cùng nhau. Cũng cám ơn "người tù lỏng," luôn thông cảm với " người tù giam" đã gần gũi giúp đỡ cho chúng tôi không lạc lõng và mặc cảm...Sau giờ lao động tất cả cùng nhau sống vui vẻ thoải mái bên dòng sông Đồng Nai và "chị nuôi" sáng chiều được ngắm vẻ đẹp bình minh cùng buổi hoàng hôn rực rỡ của ánh Mặt Trời. !!
Chỉ mình nhớ lại ngày xưa ấy,
Nào thấy lòng mình đâu khác xưa...?
Tuổi đời qua mãi cùng năm tháng...
Còn lại mình tôi trong nắng mưa !!
Thương sao bản nhạc ban trưa,
Tiếng đàn giọng hát thêm đưa nỗi buồn...
Chuyến tàu đâu chỉ hoàng hôn,
Chia tay lòng cố vùi chôn nỗi niềm !
Người về ôm ấp tình riêng,
Người đi bao xiết triền miên u sầu ?
Bây giờ cho đến mai sau,
Chuyến tàu năm ấy đâu nào dễ quên ?!
NM Phan thị Ngọc Diệp


NTV 81 - Chuyện con Rùa


Không thả con về biển,
Vì sợ nước biển sâu,
Đưa con về chùa ở....
Lại ngại chẳng ở lâu !

Thôi tùy duyên con nhé,
Dẫu dòng nước nông sâu.
Thì cũng mong con cố,
Vượt khổ và sống lâu...!

Nếu còn duyên hạnh ngộ,
Mình sẽ lại thấy nhau.
Con ngẩng đầu nhìn mẹ,
Mừng vui ôi xiết bao !!
NM

Gởi rùa vô chùa

Chiều hôm qua lễ Phật Đản cùng Ti quay trở lại chùa Một Cột một lần nữa để thả rùa vì buổi sáng ghé viếng chùa thấy có hồ nuôi rùa thật nhiều, quyết định chọn nơi đây trước khi đi vì thấy hồ nhỏ có thể nhìn thấy rùa mỗi khi rằm lớn mình lên chùa viếng Phật, không gian hồ tuy nhỏ nhưng có nhiều bạn và nước được thanh lọc !
Ở nhà một mình một hồ nước phải thay hoài cho nên "anh chàng"trắng trẻo ai nhìn cũng khen đẹp và dễ thương, vài tháng nữa chắc cũng rong rêu ....với hồ !! Rùa cứ ngẩng đầu nhìn mình hoài, thật thương và lòng lưu luyến không muốn về, dặn rùa những lần sau mẹ có lên thì nhớ ra nhìn mẹ như ở nhà vậy
Lúc còn nhỏ hay bây giờ lâu lâu thả rùa ra là anh chàng lịch kịch tìm mình bò tới nằm dưới chân, lần nào cũng vậy ai cũng ngạc nhiên, bây giờ thì hồ so với rùa chật chội nhìn vậy chứ khá nặng mỗi khi thay nước, thôi thì cho rùa về với đồng loại, buổi sáng đã đi tìm một bé rùa nhỏ xíu nhỏ hơn cả lòng bàn tay và nuôi bé trong khạp nhỏ sau bếp, khạp này trước kia nuôi cá bảy màu.
Mười năm nữa mới thả bé và khg biết mình còn cơ hội để thả nó không, đem nó về để đỡ buồn và đỡ nhớ rùa kia đồng thời cho nó ăn bớt muỗi !! Số mình mắc nợ với thú vật hay sao đó nhưng nuôi con nào cũng khôn lanh và biết thương chủ
Ti là người đề nghị thả rùa ngày hôm nay vì Ti được nghỉ cả ngày, hôm nay cũng nhằm lễ Phật Đản và là ngày Thiên xá nữa !!
Hai hôm nay trong lòng bỗng dưng thắc thỏm vì chợt nhớ rùa là loại rùa tai đỏ, nó đẹp nhưng so với đồng loại rùa tai đỏ là loại có hại cho thiên nhiên vì nó phá hoại mùa màng, ăn cá tôm...Thông thường rùa ăn rau quả nhưng về nhà thì cho rùa ăn đủ thứ như hạt thực phẩm dành cho cá, rau muống và đầu tôm, có cả cháo của Lucky lúc còn sống ăn không hết hay cơm nguội, đây là con rùa thứ hai nuôi sau con rùa ở nhà cũ nó cũng ăn như vậy
Chợt nhớ ra thì đã muộn, chỉ cầu mong chùa không "kỳ thị" nó, nói với Ti thì Ti lại cho rằng chùa nuôi làm phước và nó có ở ngoài đồng đâu ? Nhìn nó ngoan ngoãn tìm bạn bằng nó và nằm gác đầu lên mình bạn lòng cảm thấy vui nhưng nghĩ đến hai cái tai đỏ lại ngậm ngùi lo lắng !! Thôi thì tùy duyên vậy chứ thật tâm không nhớ chuyện nầy nhưng trong lòng cầu xin sẽ được gặp và nhìn được rùa trong mỗi dịp Tết hay rằm lớn đi viếng chùa!
NM Phan thị Ngọc Diệp